Giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng lên trong tháng 10 nhưng mức tăng chậm hơn dự kiến bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng gần đây của chính quyền trung ương, kéo dài hơn một năm kinh tế yếu đi.
Ngày 9/11, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát, đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước, chậm lại so với mức tăng 0,4% trong tháng 9.
Con số này không đạt được mức tăng 0,42% như dự kiến theo thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế, được thực hiện bởi nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind. Đây cũng là mức tăng CPI chậm nhất trong 4 tháng.
Tăng trưởng CPI của Trung Quốc vẫn ở quanh mức 0 kể từ tháng 3 năm ngoái, làm dấy lên mối lo ngại của thị trường về áp lực giảm phát và nhu cầu trì trệ.
Dữ liệu của tháng 10 được đưa ra một ngày sau khi cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc công bố kế hoạch sâu rộng nhằm tháo gỡ vấn đề nợ chính quyền địa phương và cam kết có thêm chính sách để thúc đẩy chi tiêu.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc - thước đo giá thành hàng hóa tại cổng nhà máy - giảm 2,9% trong tháng 10, giảm tháng thứ 25 liên tiếp, sau khi giảm 2,8% trong tháng 9.
Kết quả này còn tệ hơn dự báo giảm 2,5% của Wind.
Trong khi đó, lạm phát lõi của Trung Quốc, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, đã tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng từ mức 0,1% trong tháng 9.
Người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hạn chế chi tiêu trong bối cảnh thị trường lao động yếu kém và những thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.
Theo NBS, so với tháng trước, chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 0,3% sau khi giữ nguyên trong tháng 9.
Chỉ số CPI, với mức tăng 0,3% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát hàng năm là 3%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã triển khai gói nới lỏng tiền tệ lớn hơn dự kiến vào cuối tháng 9, bao gồm cắt giảm các lãi suất chủ chốt và bơm thanh khoản 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) vào thị trường liên ngân hàng.
Bắc Kinh kể từ đó đã công bố các biện pháp hỗ trợ bổ sung. Động thái mới nhất là hoán đổi nợ trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong 5 năm tới, cũng như tăng trái phiếu đặc biệt địa phương thêm 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (838 tỷ USD) trong 3 năm tới, được công bố sau cuộc họp kéo dài một tuần của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc (NPC) cuối tuần trước.
“Áp lực giảm phát rõ ràng là dai dẳng ở Trung Quốc. Quyết định của NPC về hoán đổi nợ là một bước nhằm giải quyết thách thức vĩ mô mà Trung Quốc phải đối mặt”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management bình luận và cho biết những hành động táo bạo hơn có thể được thực hiện vào năm tới nếu chiến tranh thương mại nổ ra.
“Tôi nghĩ, tại cuộc họp báo của NPC, Bộ trưởng Tài chính đã báo hiệu chi tiêu tài chính mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thị trường đang nóng lòng chờ đợi thông tin chi tiết về các gói kích thích tài khóa tiềm năng.”
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng kích thích nhắm vào phía tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và tránh làm trầm trọng thêm vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc.
V.A