Lạm phát ổn định, chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa hỗ trợ trong năm 2025
Báo cáo vĩ mô tháng 4/2025 từ KIS cho thấy, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa bứt phá mạnh, nhưng các tín hiệu cảnh báo về điều chỉnh bắt đầu xuất hiện ở FDI, sản xuất công nghiệp và đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, đầu tư công và lạm phát ổn định tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo vĩ mô mới nhất từ Chứng khoán KIS, tháng 4/2025 đã chứng kiến sự bứt phá đáng kể của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng ấn tượng là những tín hiệu cảnh báo về một giai đoạn điều chỉnh sắp tới, khi các yếu tố hỗ trợ tạm thời đang dần suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng bất định.
Xuất khẩu tăng vọt nhờ “gom hàng trước giờ G”
Số liệu của KIS cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 tăng tới 19,75% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 22,95%. Thặng dư thương mại vẫn được duy trì ở mức tích cực, khoảng 580 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Mỹ – vốn là đối tác lớn nhất – bật tăng 34,33%, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây được xem là kết quả của làn sóng “gom hàng sớm” trước thời điểm chính sách thuế quan đối ứng từ phía Mỹ có hiệu lực, sau khi được tạm hoãn 90 ngày để hai bên tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, đây nhiều khả năng chỉ là đà tăng mang tính tạm thời. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 cho thấy đơn hàng xuất khẩu mới đã sụt giảm đáng kể, báo hiệu triển vọng xuất khẩu các tháng tới sẽ gặp nhiều áp lực, đặc biệt khi thời gian miễn trừ thuế kết thúc và chính sách thuế chính thức được triển khai.

Các chỉ số vĩ mô khác vẫn cho thấy mức độ phục hồi nhất định nhưng đang có dấu hiệu chững lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với cùng kỳ, nhưng giảm nhẹ so với mức 9,9% của tháng trước, phản ánh sự kém tích cực từ đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu thận trọng, vốn FDI đăng ký giảm 8,98% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng chậm lại, cho thấy các nhà đầu tư ngoại đang cân nhắc kỹ hơn trước khi mở rộng sản xuất trong bối cảnh thương mại quốc tế thiếu rõ ràng.

Tiêu dùng và đầu tư công giữ vai trò trụ đỡ
Trái ngược với xuất khẩu và sản xuất, khu vực tiêu dùng nội địa và đầu tư công đang cho thấy sự vững vàng, trở thành trụ cột mới hỗ trợ đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 đạt trên 582 nghìn tỷ đồng, tăng 11,15% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hai kỳ nghỉ lễ lớn, đặc biệt là dịp 30/4 – 1/5 kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam tiêu dùng cá nhân, du lịch, ẩm thực và dịch vụ vận tải đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Riêng TP.HCM có mức tăng doanh thu bán lẻ gần 38% so với cùng kỳ, một minh chứng cho đà phục hồi vững vàng của thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng đang lấy lại nhịp tăng tốc. Tính đến hết tháng 4, tổng giá trị giải ngân đầu tư công đạt hơn 128.500 tỷ đồng, tương đương 14,32% kế hoạch năm, một con số đáng khích lệ khi so sánh với cùng kỳ. Việc bám sát tiến độ này là dấu hiệu cho thấy động lực đầu tư trong nước đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác như xây dựng, vật liệu, bất động sản và dịch vụ liên quan.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách còn dư địa hỗ trợ
Một điểm tích cực khác là lạm phát vẫn đang được kiểm soát ổn định. Chỉ số CPI không ghi nhận biến động bất thường, tạo dư địa thuận lợi cho việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và nới lỏng có chọn lọc khi cần thiết. Trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng – đặc biệt là tỷ giá và dòng vốn – việc duy trì môi trường lãi suất thấp và ổn định là công cụ quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các cú sốc từ bên ngoài.
Dữ liệu kinh tế tháng 4 cho thấy Việt Nam vẫn đang duy trì đà phục hồi tốt, với tiêu dùng nội địa và đầu tư công làm động lực chính. Tuy nhiên, rủi ro từ xuất khẩu và FDI do căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn là yếu tố đáng lưu ý. Chính phủ và các nhà đầu tư cần thận trọng trước những tín hiệu điều chỉnh từ các chỉ số đơn hàng và dòng vốn quốc tế, đồng thời tiếp tục củng cố các động lực trong nước để giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.