Ông Đào Thế Vinh, Tổng Giám đốc Golden Gate. |
Theo thông tin được công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng vừa chính thức đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Golden Gate, từ ngày 2/6/2023. Song song với đó, con dấu của doanh nghiệp cũng đã được thay đổi.
Tuy nhiên, các thông tin khác như người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên. Được biết, đây là lần đầu tiên Golden Gate thay đổi tên và logo thương hiệu sau 18 năm thành lập.
Con dấu mới của Golden Gate được thiết kế gọn gàng, bắt mắt hơn. |
Cùng với đó, Golden Gate cũng đã tiến hành thay đổi bộ logo nhận diện của thương hiệu. Về cơ bản, đó vẫn là hình ảnh mô phỏng chữ “G” trong Golden Gate với mũi tên hướng thẳng vào hình tròn ở chính giữa - được ví là nơi mở ra cánh cổng vàng để vươn tới những giá trị lớn hơn cho khách hàng và cộng đồng, tuy nhiên đường nét đã được biến tấu theo hướng “cứng cáp” hơn.
Bộ nhận diện thương hiệu mới của chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Manwah, Gogi... |
Về sự thay đổi lần này, ban lãnh đạo Golden Gate cho biết, đây là một phần quan trọng trong việc khẳng định tầm nhìn của Golden Gate trong thời gian tới, và chiến lược đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới và mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.
Ông Đào Thế Vinh, Tổng Giám đốc Golden Gate chia sẻ thêm: “Chúng tôi tin rằng, ẩm thực Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế với những giá trị về hương vị đa dạng, nguyên liệu tươi ngon và sự tinh tế trong cách chế biến”.
Bên cạnh đó, vị CEO này cũng khẳng định, dù “chuyển mình” với tên thương hiệu mới, nhưng tinh thần và giá trị cốt lõi quan trọng nhất của Golden Gate vẫn sẽ được gìn giữ và duy trì xuyên suốt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, đó là triết lý “Nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Trên thực tế, tham vọng “xuất ngoại” được “ông trùm” chuỗi nhà hàng Việt Nam thể hiện từ cuối năm ngoái. Cụ thể, Nghị quyết HĐQT Golden Gate công bố tháng 11/2022 đã thông qua kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, với việc thành lập Công ty Universal Food and Beverage Pte.Ltd.
Đây còn được gọi là dự án 5G, có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm.
Golden Gate vừa có năm 2022 "bội thu" với doanh thu phục hồi rõ rệt và không còn lỗ như năm trước đó. |
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 vừa qua, Golden Gate đã phục hồi mạnh mẽ so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Doanh nghiệp này kết năm với mức doanh thu 6.970 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm trước và gần gấp rưỡi so với năm 2019 – thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát. Doanh nghiệp này cũng đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử, ở mức 658 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu sụt giảm mạnh, Golden Gate lần đầu tiên thua lỗ, với con số ghi nhận là 430 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2023, phía doanh nghiệp sẽ triển khai mở rộng hoạt động sang mảng bán lẻ và đầu tư ra nước ngoài . Đây được cho là một trong những tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh sau 2 năm đại dịch.
Hệ sinh thái F&B rộng lớn của Golden Gate tại Việt Nam. |
Theo tìm hiểu, thành lập từ năm 2005, Golden Gate là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Từ nhà hàng đầu tiên là Lẩu nấm thiên nhiên Ashima trên con phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), hiện nay, Golden Gate đã phát triển thành một hệ sinh thái “đồ sộ”, với 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng đa phong cách trên gần 50 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Đây chính là “ông trùm” đứng sau các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như chuỗi lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi House, K-Pub; các nhà hàng Nhật Isushi, Daruma; các nhà hàng Âu Cowboy Jack’s, Vuvuzela,…
Golden Gate được đánh giá là thương hiệu “chiều lòng” nhiều “tín đồ ẩm thực” nhất khi đơn vị này sở hữu nhiều phong cách ẩm thực khác nhau, bao gồm: lẩu, nướng, đồ Á (Việt, Trung, Nhật, Hàn), đồ Âu và quán cà phê.
Gần đây, ngày 1/3, Golden Gate gây xôn xao dư luận với thông tin đóng cửa 39 chi nhánh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Doanh nghiệp này sau đó lên tiếng đính chính, việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh là nhằm tái cấu trúc nội bộ, tinh giản bộ máy quản trị đảm bảo hiệu quả.
Sở hữu hàng loạt chuỗi nhà hàng đình đám Gogi, Kichi-Kichi, Vuvuzela..., vì đâu "ông vua chuỗi" Golden Gate lâm cảnh đóng cửa 39 chi nhánh? Cổng Vàng - Golden Gate - doanh nghiệp đứng đằng sau chuỗi nhà hàng Gogi, Kichi-Kichi, Vuvuzela... vừa công bố đóng cửa 39 chi nhánh. |
"Đại gia" đứng sau chuỗi nhà hàng GoGi, Kichi-Kichi,... sắp chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 65% Năm 2022, GoldenGate lãi ròng hơn 658 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ gần 431 tỷ đồng. |
Bị khách hàng tố "thịt bò có sán", chuỗi nướng GoGi House nói gì? Phía GoGi House đã có phản hồi trước sự việc khách hàng chia sẻ khi đi ăn đồ nướng tại đây phát hiện thịt bò ... |
Hà Lê