Chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội Khó tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội do lãi suất vẫn cao Thông tư 02: Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải trích lập dự phòng từ 50-100% |
Cam kết triển khai nhanh Thông tư 02
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai thông tư số 02/2023/TT-NHNN đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ thời điểm này và kéo dài đến giữa năm 2024. Điều này sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp có được điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp. Thay vì phải trả nợ cả gốc và lãi thì nay nguồn tiền đó có thể được doanh nghiệp sử dụng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Quan trọng hơn là nợ cũ của doanh nghiệp không bị nhảy nhóm và bị liệt vào nhóm nợ xấu.
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai thông tư số 02/2023/TT-NHNN |
“Những đối tượng khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khó khăn trong việc trả nợ vay các khoản vay tiêu dùng, khoản vay phục vụ đời sống, phát sinh từ các khoản cho vay, cho thuê tài chính thì sẽ được xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ” - Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Hà Thu Giang cho biết.
Phó Tổng Giám đốc MBBank Phạm Thị Trung Hà cho rằng, Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Về phía tổ chức tín dụng cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đối với các tổ chức tín dụng cũng vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Cũng theo đại diện MBBank, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.
“Về phía ngành ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng”- đại diện MBBank chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái bày tỏ, hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Và Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02.
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cam kết sẽ triển khai trên toàn hệ thống để Thông tư 02 đi vào thực tế nhanh nhất |
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cũng cam kết, BIDV đánh giá cao các chính sách được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đưa ra thời gian qua, đặc biệt Thông tư 02 vừa ban hành. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. BIDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này vào thực tế nhanh nhất.
Chưa thể triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Về triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đại diện các ngân hàng cho biết, đã sẵn sàng nguồn tiền để giải ngân. Trong đó, Agribank là ngân hàng đầu tiên ra thông báo về gói tín dụng này, với hạn mức cho vay 30.000 tỷ đồng, khách hàng được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án, nếu có tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước còn lại sẽ dành 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội và đang chuẩn bị triển khai.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội nghị, đại diện các ngân hàng cho biết, còn nhiều vướng mắc chưa thể triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 nghìn tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay. Cụ thể, ngày 24/4/2023, Bộ Xây dựng có văn bản cho biết, sẽ giao cho các tỉnh công bố dự án nhà ở xã hội. Từ danh sách này các ngân hàng mới tiếp cận dự án để cho vay. “Chúng tôi mong muốn có dự án để tăng trưởng tín dụng nhưng lại vướng mắc như vậy” - đại diện Agribank chia sẻ.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 nghìn tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay |
Cùng ý kiến, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, về gói 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng đã triển khai tới các chi nhánh, nhưng hiện Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay, do đó quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian.
“Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên các ngân hàng gặp khó khăm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thởi gian qua” - ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.
Trong khi đó, đại diện VietinBank cho rằng, về gói 120.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã hết sức trách nhiệm, trong khi sự đồng hành của các bên chưa kịp. Vậy thì phải chờ cùng nhịp bước mới có thể triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, ngành ngân hàng có rất nhiều giải pháp đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương. Do vậy cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ.
“Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất, vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ngân Thương