Giả mạo công an lừa tiền tỷ
Tháng 8/2019, một nhóm lừa đảo tự xưng là công an, cán bộ Viện Kiểm sát để yêu cầu chị Nguyễn Thị Thanh H. (48 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan công an để kiểm tra, xác minh nếu không liên quan sẽ trả lại trong vòng 1 – 2 ngày. Do tin là thật, chị H. đã rút tiền tiết kiệm và chuyển khoản tổng cộng hơn 3,9 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng do nhóm lừa đảo cung cấp.
Sau khi bị mất tiền, chị H. đã tố cáo ra cơ quan công an. Qua điều tra, cơ quan công an làm rõ: trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm đối tượng đã thuê Nguyễn Đình Vân (SN 1996, ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) mở tài khoản ngân hàng. Đợt đầu tiên, Nguyễn Đình Vân đứng tên mình mở 3 tài khoản ở các ngân hàng khác nhau và đăng ký dịch vụ Internet Banking. Mỗi tài khoản được trả công 1,5 triệu đồng.
Để có thêm tiền, Vân tiếp tục nhận mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lừa đảo với giá 2,7 triệu đồng/tài khoản. Do số lượng tài khoản đứng tên Vân bị hạn chế, Nguyễn Đình Vân thuê nhiều người mở tài khoản với giá 1 triệu đồng/tài khoản.
Tổng cộng, Nguyễn Đình Vân đã tìm người đứng tên mở 92 tài khoản và mở thành công 70 tài khoản, được trả công số tiền 189 triệu đồng.
Nguy cơ bị phạt hành chính
Trong số những cá nhân Nguyễn Đình Vân thuê mở tài khoản, có anh Bùi Đắc Trọng (SN 1999, ở tại huyện Ân Thi, Hưng Yên). Anh Bùi Đắc Trọng cung cấp cho Nguyễn Đình Vân 10 tài khoản với số tiền 10 triệu đồng. Ngoài ra, anh Trọng còn tìm người thuê số lượng lớn tài khoản ngân hàng để rao bán trên mạng internet. Anh Trọng thuê mở tài khoản với giá 250 – 300 nghìn đồng/tài khoản, bán lại với giá 800 nghìn đồng/tài khoản. Tổng công anh Trọng đã mở được 193 tài khoản ngân hàng.
Tài liệu vụ án cho thấy Cơ quan điều tra xác định anh Trọng không biết người mua tài khoản ngân hàng sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Chủ tài khoản đã có thỏa thuận với người thu mua tài khoản nên hành vi của anh Trọng chỉ vi phạm hành chính.
Theo Điều 26, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 trong khi hành vi của anh Trọng diễn ra trước đó. Do đó, anh Trọng không bị xem xét xử phạt hành chính.
Tiếp tay cho lừa đảo
Trong các cá nhân mở tài khoản cho nhóm đối tượng lừa đảo, có Nguyễn Mạnh Hiền (SN 1997, ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Vân và Hiền không chỉ mở tài khoản bán kiếm tiền mà còn tham gia vào hoạt động lừa đảo của nhóm đối tượng giả mạo công an, Viện Kiểm sát nói trên.
Trở lại với vụ việc chị H., sau khi tiền được chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền, các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền từ tài khoản này đến nhiều tài khoản khác. Thấy tài khoản có nhiều giao dịch đáng ngờ, ngân hàng đã khóa dịch vụ Internet Banking đối với tài khoản này. Nhóm đối tượng chuyển qua rút tiền mặt tại Phòng giao dịch và yêu cầu Nguyễn Đình Vân, Nguyễn Mạnh Hiền đi rút tiền.
Vân và Hiền đến phòng giao dịch ngân hàng để rút tiền. Bản thân Nguyễn Mạnh Hiền vào rút hơn 3 tỷ đồng và đem tiền gửi vào một ngân hàng khác rồi tiếp tục chuyển tiền đến nhiều tài khoản ngân hàng khác để tẩu tán số tiền này.
Đối với hành vi này, Nguyễn Đình Vân, Nguyễn Mạnh Hiền đã bị truy tố, điều tra xét xử với cáo buộc giúp sức cho nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Vân mức án 10 năm tù, Nguyễn Mạnh Hiền mức án 9 năm cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Được biết, cơ quan công an đã điều tra nhóm đối tượng giả mạo Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo nói trên. Hiện xác định một đối tượng đã đi khỏi nơi cư trú và đã tách rút phần tài liệu liên quan đến hành vi của nhóm đối tượng này tiếp tục xử lý sau.
Ngoài ra, trong số những tài khoản nhận tiền có tài khoản mang tên 3 công ty là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Chuồn chuồn ớt, đại diện pháp luật là bà Trần Thị Kim Loan (ở TPHCM) số tiền 849 triệu đồng; Công ty TNHH Sushi số, đại diện pháp luật là ông Huỳnh Quang Dũng (ở TPHCM) số tiền 999 triệu đồng và tài khoản mang tên Tin học S1 do ông Võ Minh Tâm làm đại diện, số tiền 1,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã xác minh tại các ngân hàng, triệu tập những người đứng tên chủ các tài khoản ngân hàng. Quá trình xác minh làm rõ, sau khi chiếm đoạt tiền, nhóm lừa đảo đã chuyển số tiền hơn 1,6 tỷ đồng đến các tài khoản công ty trên để mua tiền kỹ thuật số tại trang web Remitano.com. Cơ quan điều tra đã quyết định tác, rút tài liệu liên quan đến hành vi chuyển tiền mua tiền kỹ thuật số, khi nào đủ căn cứ sẽ xử lý sau.
Điểm a Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán quy định: Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán.
Điểm b Khoản 6 Điều 26 quy định phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ