Lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền

26/12/2022 - 23:57
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.

 

Dự thảo Thông tư bao gồm 13 Điều, quy định chi tiết khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 5 Điều 24, khoản 3 Điều 25, khoản 4 Điều 26, khoản 1 và khoản 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và ban hành kèm theo 2 biểu mẫu Báo cáo giao dịch đáng ngờ và giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Theo NHNN, ngày 15/11/2022, Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, dự kiến có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3/2023. Do đó, Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và các văn bản quy định chi tiết của Luật này đã hết hiệu lực (bao gồm Thông tư số 35/2013/TT-NHNN và văn bản sửa đổi, bổ sung).

Khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”.

Trên cơ sở đó, NHNN chuẩn bị các thủ tục liên quan để rà soát, chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, trong đó có Thông tư hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền để đảm bảo Thông tư có thể ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 (tháng 3/2023).

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Thông tư quy định về đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo; phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền; hình thức các báo cáo.

Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo tối thiểu bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo và tiêu chí hậu quả rửa tiền của đối tượng báo cáo. Trong đó, tiêu chí nguy cơ rửa tiền tối thiểu bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ bối cảnh hoạt động của đối tượng báo cáo (nguy cơ rửa tiền từ ngành, lĩnh vực, quốc gia, vùng địa lý mà đối tượng báo cáo hoạt động) và tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ hoạt động kinh doanh của đối tượng báo cáo (nguy cơ rửa tiền từ khách hàng; sản phẩm, dịch vụ, giao dịch cung cấp cho khách hàng; kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ).

Tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng cáo cáo tối thiểu bao gồm tính toàn diện của các chính sách, quy trình nội bộ và tính hiệu quả của việc thực hiện chính sách, quy trình nội bộ đó.

Tiêu chí hậu quả rửa tiền của đối tượng báo cáo bao gồm tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với hệ thống tài chính, nền kinh tế, ngành, lĩnh vực có liên quan và xã hội.

Phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo gồm phương pháp chấm điểm; phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp chấm điểm kết hợp với phương pháp chuyên gia.

Về đối tượng báo cáo, căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền với những nội dung tối thiểu: xác định phạm vi, mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro rửa tiền; các tiêu chí để đánh giá rủi ro rửa tiền; xác định, phân tích, đánh giá khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng của rủi ro rửa tiền; phân loại rủi ro rửa tiền tối thiểu theo ba mức thấp, trung bình, cao; tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo mức độ rủi ro; xây dựng kế hoạch và biện pháp khắc phục rủi ro về rửa tiền được phát hiện, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Đối tượng báo cáo được thực hiện nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ đối với khách hàng có mức độ rủi ro thấp và phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết các nội dung tối thiểu phải có trong quy định nội bộ của đối tượng báo cáo, bao gồm: Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng; Chính sách, quy trình quản lý rủi ro; Chế độ báo cáo cung cấp thông tin cho NHNN; Tuyển dụng nhân sự; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng, chống rửa tiền; Kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Xác định trách nhiệm cá nhân, bộ phận trong thực hiện công tác về phòng, chống rửa tiền.

Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết các nội dung liên quan đến giao dịch chuyển tiền điện tử, bao gồm: các loại hình giao dịch chuyển tiền điện tử (giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế); thông tin yêu cầu đối với giao dịch chuyển tiền điện tử; tổ chức tài chính tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử; trách nhiệm của tổ chức tài chính trong nước tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử; quy định đối tượng báo cáo được phép thực hiện chuyển tiền điện tử phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo giao dịch các báo cáo theo quy định tại Điều 25, 26, 34 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm: điều kiện thực hiện báo cáo; nội dung báo cáo; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; hình thức báo cáo; thời hạn báo cáo.

Trong đó, đối với hình thức báo cáo, Dự thảo Thông tư đã hướng dẫn chi tiết trong trường hợp đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo bằng dữ liệu điện tử và báo cáo bằng văn bản giấy và thời hạn phải thực hiện đối với báo cáo bằng dữ liệu điện tử.

Dự thảo Thông tư được ban hành dự kiến vào tháng 3/2023 ngay sau thời điểm Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực, thay thế các Thông tư hiện hành.

Bùi Trang -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ