Thái Nguyên đăng cai Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc Lễ cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Dao Tiền Lễ hội cầu mùa, thể hiện tâm nguyện của dân tộc Dao đỏ |
Trong phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Dao, lễ Cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ chu kỳ vòng đời người. Theo quan niệm của người Dao, người con trai nào không được cấp sắc, khi sống không được thờ cúng cha mẹ, khi chết không được về với tổ tiên, không được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao).
Một nghi thức quan trọng nhất trong lễ Cấp sắc, là cấp pháp danh cho người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm) và sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương và được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.
Lễ Cấp sắc 12 đèn của người Dao. Ảnh minh họa |
Lễ Cấp sắc thường được người Dao tổ chức vào thời gian nhàn rỗi khoảng tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm và ngày thụ lễ được người Dao lựa chọn rất cẩn thận. Lễ Cấp sắc của người Dao thường có 3 cấp: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Lễ Cấp sắc 3 đèn, 7 đèn chỉ được tổ chức trong phạm vi dòng họ chung tổ tiên, Lễ Cấp sắc 12 đèn có thể có nhiều dòng họ cùng tổ chức một lễ. Số lượng người cùng được cấp sắc nhiều hay ít lại phụ thuộc vào người chủ đứng ra vận động (thường từ 20 đôi trở lên). Lễ Cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên, người Dao Đỏ và người Dao Tiền thường làm lễ Cấp sắc từ độ tuổi 12 – 30 tuổi, người Dao Áo Dài làm lễ Cấp sắc từ độ tuổi 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức lễ Cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ, người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó.
Để phục vụ nghi lễ và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Gần đến ngày tổ chức lễ Cấp sắc, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Trong những ngày làm lễ Cấp sắc, thầy cúng và những người được làm lễ Cấp sắc đều phải kiêng ăn thịt và những đồ có mỡ.
Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi lễ Cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc. Người thụ lễ, có khi cả người vợ cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Đặc biệt, người Dao Áo Dài có một nghi thức đặc biệt gọi là hóa kiếp. Trong đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có khoảng 3 người đến 4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.
Nghi lễ cấp sắc 12 đèn. Ảnh minh họa |
Trong lễ Cấp sắc có rất nhiều nghi thức được thực hiện tuần tự từng bước, mỗi nghi thức có những nội dung, ý nghĩa khác nhau và có một thầy đảm nhiệm. Lễ Cấp sắc thực hiện một số nghi lễ, như: lễ nhận thầy, lập ban thờ mới, mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ, mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ, lễ cấp đèn, lễ đặt tên, lễ dạy làm thầy/truyền phép...
Trong đó, phần quan trọng nhất của lễ Cấp sắc là nghi lễ cấp đèn, binh mã và ấn tín. Trong lễ Cấp sắc, thầy cúng cung cấp cho người thụ lễ một hoặc hai đạo sắc. Trong đó, có 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Các đạo sắc đều có nội dung giáo huấn hướng con người đến cái thiện, có ý nghĩa giáo dục cho lớp người sau không được quên tổ tiên, phải giữ gìn những giá trị đạo đức và phấn đấu vươn lên, và phải sống lương thiện như: Biết ơn cha mẹ, thuỷ chung trong quan hệ vợ chồng, tôn trọng bạn bè, anh em, không dâm ô, trộm cắp… Nội dung của nghi lễ thể hiện những khát khao, mơ ước của con người về một thế giới tươi đẹp, mỗi người đều có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Trang phục truyền thống mặc trong ngày lễ Cấp sắc phải là bộ mới, chưa mặc bao giờ. Khi thầy đến làm lễ thì người được cấp sắc mới được phép mặc bộ trang phục này. Sau lễ Cấp sắc phải gìn giữ, trân trọng bộ trang phục như báu vật; tuyệt đối không được cho ai mượn để mặc. Bởi người Dao quan niệm, nếu cho người khác mượn, không may người mượn sẽ không gìn giữ cẩn thận, hoặc làm những điều xấu sẽ làm ô uế người được cấp sắc, vi phạm những điều răn trong lễ cấp sắc. Vợ của người đàn ông được cấp sắc cũng phải tuân thủ những điều kiêng kỵ như người đàn ông. Họ cũng tuyệt đối không cho ai mượn trang phục và chỉ mặc vào những ngày lễ Tết. Đây cũng là bộ trang phục họ mặc khi về với tổ tiên.
Lễ Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống độc đáo được lưu truyền từ ngàn đời nay trong cộng đồng người Dao, thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương đã quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có nghi lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, đồng thời có sự định hướng, tác động nhằm loại bỏ những yếu tố rườm rà và chọn lọc những yếu tố có giá trị văn hóa.
Với ý nghĩa giáo dục lớn, lễ Cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Dao, thấm đẫm giá trị nhân văn. Những điều răn, những điều kiêng kỵ trước, trong và sau lễ Cấp sắc xét cho cùng đều hướng con người tới chân, thiện, mỹ.
Lê Nguyệt