Về Sơn Đồng đi hội Giằng bông Nét độc đáo ở lễ hội làng cổ Bát Tràng Lễ hội Rija Nagar - Lan tỏa các giá trị văn hóa Chăm |
Lễ hội làng Hậu tổ chức ngày 9-11/2 Âm lịch hàng năm. Ngày 9/2 là ngày báo lễ, ngày 10/2 là ngày lễ chính và ngày 11/2 là ngày rã lễ. Hội làng Hậu bắt đầu phần lễ bằng màn đánh trống báo hiệu. Trong những ngày diễn ra lễ hội, đội trống có vai trò quan trọng, là nhạc cụ chính. Tiếng trống, sáo, đàn tạo ra không khí rộn ràng, uy nghiêm cho hội làng Hậu.
Hàng năm, người dân làng Hậu mở hội làng để ôn lại truyền thống vẻ vang của quê hương, tưởng nhớ ơn đức Thành hoàng làng và cầu năm mới bình an, hạnh phúc.
Lễ hội truyền thống làng Hậu. Ảnh lehoi.info |
Đội tế Thành hoàng gồm đội tế nam và đội tế nữ. Những người trong đội tế là người làng đã lập gia đình, có lối sống tốt, có uy tín trong làng. Kết thúc phần tế lễ là các điệu múa dân gian được dân làng tập luyện kỹ càng. Lễ vật dân làng Hậu dâng lên Thành hoàng chủ yếu là hoa, quả, xôi, gà...
Đội tế nữ trong hội làng Hậu. Ảnh lehoi.info |
Đình làng Hậu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ Hậu Nam Đế Lý Phật Tử. Đình có giá trị lịch sử, kiến trúc đặc sắc của vùng Đồng bằng Bắc bộ, Đình làng Hậu còn lưu giữ nhiều tư liệu thành văn lịch sử như: Thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối... gắn với truyền thuyết dân gian về nơi phát tích cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thời Tiền Lý.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, với lòng tôn kính các bậc tiền nhân, các di tích lịch sử của làng Hậu cổ, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã được các cấp chính quyền quan tâm tu bổ di tích, bảo vệ di sản, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Trước Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám 1945, đình làng Hậu là cơ sở bí mật, nơi hội họp của cán bộ Việt Minh, là an toàn khu của Trung ương. Ngày 17/11/2009, đình làng Hậu được thành phố Hà Nội công nhận Di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến. Ngày 5/11/2010, UBND thành phố Hà Nội có quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc. |
Lê Nguyệt