Lễ hội truyền thống làng Sủi

08/04/2024 - 21:49
(Bankviet.com) Lễ hội làng Sủi diễn ra từ ngày 1-3/3 Âm lịch hàng năm (tức ngày 9-11/4/2024), tại đình - đền Sủi, thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Hà Nội: Lễ hội làng Bát Tràng diễn ra từ ngày 23-25/3/2024 Lễ hội đền Bà Triệu, khám phá di sản văn hóa đầy màu sắc Lai Châu: Đặc sắc Lễ hội Nàng Han tại huyện Phong Thổ

Làng Sủi tên nôm là làng Thổ Lỗi, cách quốc lộ số 5 khoảng 800m (km 13,4 đường Hà Nội - Hải Phòng), thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Làng Sủi thờ hai vị Thành hoàng có công với đất nước là Thành hoàng Tây Vị Đại vương tướng quân Đào Liên Hoa (ở đình Sủi) và Nguyên phi Ỷ Lan (ở đền Sủi).

Ảnh minh họa

Lễ hội làng Sủi diễn ra từ ngày 1-3/3 Âm lịch hàng năm (tức ngày 9-11/4/2024), tại đình - đền Sủi, thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh tourism

Tây Vị Đại Vương tướng quân Đào Liên Hoa quê ở Thanh Hóa, con ông Đào Lan và bà Nguyễn Thị Huệ. Ông rất thông minh, ham học, năm 15 tuổi đã xin cha cho đi học ở quận Vũ Ninh, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, thôn Hội Phụ (nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh). Khi biết ở Hoa Lư có Đinh Bộ Lĩnh khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân, ông xin đầu quân và được phong làm tướng quân. Với những chiến công có được, ông được Đinh Bộ Lĩnh phong làm Tây Vị Đại Vương rồi được cử đi Chánh sứ sang Trung Quốc. Khi huyện Gia Lâm có giặc loạn nổi lên, ông đem quân đi dẹp rồi lập đồn cùng trang ấp ở Thổ Lỗi, dậy nhân dân sản xuất, xây nhà cửa lo cuộc sống. Khi ông mất (vào ngày 25 tháng 12 âm lịch), vua phong ông là Thượng Đẳng Tôn Thần và hạ chiếu cho các làng thuộc địa hạt ông cai quản phải lập đình để hương khói phụng thờ đời đời. Dân làng Sủi đã lập đình Sủi thờ ông và tôn ông là Thành hoàng làng.

Nguyên Phi Ỷ Lan (vợ Vua Lý Thánh Tông) tên tục là Lê Thị Khiết, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044, con cụ Lê Khâm người làng Thổ Lỗi. Bà vốn thông minh, hiểu đạo Phật, đạo Nho, đạo Khổng nên giúp vua rất nhiều ý kiến hay để trị nước, yên dân và đã hai lần nhiếp chính thay vua điều hành đất nước. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 7 âm lịch năm 1117 (Đinh Dậu) hưởng thọ 73 tuổi. Để tưởng nhớ công ơn của bà, Vua Lý Nhân Tông cho xây đền Sủi (còn gọi là đền Lý Thái Hậu) để nhân dân hương khói phụng thờ và phong bà là Thượng đẳng thần. Bà cũng được nhân dân tôn làm Quan âm nữ với tấm lòng tôn kính.

Ảnh lehoi
Đoàn rước hội làng Sủi. Ảnh lehoi

Hàng năm, làng Sủi có 3 kỳ lễ, đó là: lễ hội làng Sủi từ ngày 1 đến 3 tháng 3 âm lịch, giỗ Nguyên Phi Ỷ Lan ngày 25 tháng 7 âm lịch và giỗ Tây Vị Đại vương tướng quân Đào Liên Hoa ngày 25 tháng 12 âm lịch. Trong 3 kỳ lễ, làng tập trung mở hội chính vào tháng ba, hai kỳ lễ còn lại, làng chỉ cúng lễ long trọng.

Hội chính được diễn ra trong 3 ngày để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên Phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa. Hội có nghi thức đọc Mục Lục để ca ngợi cảnh đẹp, sự trù phú, truyền thống khoa bảng của làng cùng với lễ “Bông Sòng” đặc trưng. Theo thần phả của làng, “Bông” là Nguyễn Bông – quan thái giám theo hầu Nguyên Phi Ỷ Lan, người làng Kính Chủ (nay là thôn Trung Kính Thượng, xã Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội); “Sòng” là sòng phẳng, ngay thẳng. Lễ Bông Sòng mang nội dung giải oan cho Nguyễn Bông.

Ảnh lehoi
Không khí tưng bừng hội làng Sủi. Ảnh lehoi

Diễn biến lễ hội:

Ngày 1/3 (tức ngày 9/4/2024)

Buổi sáng, cùng với tiếng trống khai hội là lễ mở cửa đền, cửa đình. Sau đó, lễ Thánh và lễ đọc Mục Lục được tổ chức. Buổi chiều, dân làng và du khách thập phương vào lễ Thánh.

Ngày 2/3 (tức ngày 10/4/2024)

Buổi sáng, diễn ra song song hai lễ tế của đội tế nam và đội tế nữ. Đội tế nam tế lễ tại đình còn đội tế nữ tế lễ tại đền. Buổi chiều, diễn ra lễ tế Thánh của đội tế các địa phương khác tại đình và đền Sủi.

Ngày 3/3 là chính hội (tức ngày 11/4/2024)

Buổi sáng, lễ rước kiệu của Nguyên Phi Ỷ Lan được tổ chức rất long trọng. Các vai hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, đô tùy (người rước kiệu) được lựa chọn từ các nam thanh niên khỏe mạnh, đạo đức tốt. Các vai Chánh sứ, Phó sứ lựa chọn từ các cháu thiếu niên, nhi đồng nam. Tất cả mặc áo gấm, đội khăn đỏ, đi sau các hiệu cờ, hiệu trống. Đoàn rước đi một vòng trên đường lớn rồi quay trở về đền. Khi kiệu đã an vị, đội tế nam và đội tế nữ hành lễ tế Thánh ở đình và đền.

14h chiều, lễ Bông Sòng được tổ chức. Khi nghe ba hồi hiệu lệnh chiêng, 10 đến 20 thanh niên mặc áo dài, đội khăn xếp hay khăn lượt mang theo trầu cau, rượu, miệng hô “Sòng Bông Sòng”, đi cà kheo từ trong làng lên tới miếu ông Bông đầu làng. Trong số đó có duy nhất một người đi bộ gõ trống con (trống ca trù). Sau đó, cả đoàn quay về đình để vừa chúc rượu các đại diện chánh, phó sứ vừa nhảy múa và hô “Sòng Bông Sòng” trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội lúc xế chiều.

Lễ Bông Sòng chỉ được tổ chức ở làng Sủi, đã tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo và sự phong phú, sinh động cho lễ hội làng Sủi.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc như: thi cờ tướng, thi đấu bóng truyền, chọi gà, đập niêu đất, đánh đu tre, biểu diễn múa quạt, hát quan họ, ca trù, thi đọc thơ, thi hát trống quân…

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương