Lên sàn với toàn "lời hay ý đẹp", cổ phiếu TT6 của Tập đoàn Tiến Thịnh giờ ra sao?

27/08/2024 - 14:26
(Bankviet.com) Tập đoàn Tiến Thịnh được biết đến là 1 trong những công ty đi đầu và sớm nhất của ngành rau quả chế biến xuất khẩu của Việt Nam áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các loại cây nhiệt đới tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu TT6 của Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh (Tiến Thịnh Group, UPCoM) tiếp tục có thêm một phiên giảm mạnh hơn 12,5% xuống 6.300 đồng/cổ phiếu. Được biết, đây đã là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu này. Thanh khoản phiên đầu tuần của TT6 cũng khá "èo ọt" khi chỉ có hơn 5 nghìn đơn vị được sang tay.

Đáng chú ý, cổ phiếu TT6 mới chỉ vừa lên giao dịch trên UPCoM ngày 2/8 vừa qua với giá tham chiếu 10.400 đồng/cổ phiếu. Kết phiên này, thị giá TT6 tăng mạnh gần 30% lên mức 13.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, thị giá mã này đã bốc hơi hơn 53%, vốn hóa theo đó chỉ còn hơn 130 tỷ đồng.

Lên sàn với toàn
Đây đã là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu TT6

Tiến Thịnh Group được biết đến là 1 trong những công ty đi đầu và sớm nhất của ngành rau quả chế biến xuất khẩu của Việt Nam áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các loại cây nhiệt đới tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, theo lãnh đạo TT6, thị trường trái cây xuất khẩu Việt đang đứng trước thời cơ lớn khi ngày càng được đánh giá cao trên thế giới. Mặt khác, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nắm bắt xu thế, doanh nghiệp đã nhanh chóng niêm yết cổ phiếu lên sàn UPCoM, ghi danh trên thị trường chứng khoán, mở ra nhiều vận hội mới.

CEO Tập đoàn Tiến Thịnh chia sẻ: "Việc niêm yết trên sàn chứng khoán là một bước tiến quan trọng để công ty phát triển bền vững và đạt những mục tiêu chiến lược lâu dài". Cũng theo vị CEO, mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ nằm ở việc đưa trái cây Việt Nam ra thế giới mà còn góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Lên sàn với toàn
Ban lãnh đạo Tập đoàn Tiến Thịnh tại đại hội thường niên 2024

Tập đoàn Tiến Thịnh thành lập năm 2014, tập trung vào đầu tư công nghệ chế biến trái cây với hai dòng sản phẩm chủ lực gồm trái cây sấy và nước ép nguyên chất.

Đại diện Công ty cho biết, việc tập trung vào trái cây chế biến mang đến nhiều lợi ích. Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm khi một loại trái cây có thể cho ra nhiều thành phẩm khác nhau. Thứ hai, đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng, không còn lo ngại vấn đề hư hỏng mà thực phẩm tươi phải đối mặt. Thứ ba, không chỉ bình ổn giá, đây còn là giải pháp nâng cao giá trị của nông sản, đồng thời giải quyết nỗi lo mà người nông dân hay phải đối mặt là ép giá, tồn hàng, "được mùa mất giá".

Việc đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán giúp tập đoàn nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, gia tăng giá trị doanh nghiệp. Đây cũng là bệ phóng quan trọng giúp Tiến Thịnh thu hút nguồn vốn đầu tư mới một cách minh bạch để tái đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mở rộng vùng chuyên canh, mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng quy mô kinh doanh.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Tiến Thịnh ghi nhận doanh thu thuần gần 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 33,1% kế hoạch doanh thu (302 tỷ đồng) và 21% mục tiêu lợi nhuận (9,5 tỷ đồng).

Chứng khoán đầu tuần ảm đạm, cổ phiếu họ VinGroup "đỡ" thị trường

Chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần mới được nhiều các công ty chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục quán tính bật tăng, tuy ...

Nhận định chứng khoán phiên 27/8: Lỡ hẹn mốc 1.300 điểm?

Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần mới tiếp tục "lỡ hẹn" với mốc 1.300 điểm. Mốc 1.300 này đang là ngưỡng kháng cự "quá ...

Cổ phiếu TDC bất ngờ vào cảnh "múa bên trăng": Vì đâu nên nỗi?

Ngay sau thông tin Becamex TDC muốn chào bán riêng lẻ huy động 350 tỷ để trả nợ trái phiếu, cổ phiếu TDC bất ngờ ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán