Liên Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Thanh toán, Văn phòng NHNN đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

11/10/2024 - 00:59
(Bankviet.com) Thực hiện phong trào Đoàn và Chương trình Phát triển thanh niên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) năm 2024, sáng 10/10/2024, Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng kết hợp cùng Chi đoàn Vụ Tài chính - Kế toán, Chi đoàn Vụ Thanh toán và Chi đoàn Văn phòng NHNN tổ chức Chương trình “Giáo dục chính trị, tư tưởng nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)”...
Thực hiện phong trào Đoàn và Chương trình Phát triển thanh niên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) năm 2024, sáng 10/10/2024, Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng kết hợp cùng Chi đoàn Vụ Tài chính - Kế toán, Chi đoàn Vụ Thanh toán và Chi đoàn Văn phòng NHNN tổ chức Chương trình “Giáo dục chính trị, tư tưởng nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)” tại Di tích nhà số 5D Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia của toàn thể đoàn viên, thanh niên 4 chi đoàn.
 

Đồng chí Trần Thị Khánh Ly - Bí thư Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng phát biểu khai mạc Chương trình

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Trần Thị Khánh Ly - Bí thư Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng cho biết, vào tháng 3/1929, tại nhà số 5D Hàm Long, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gian khổ, kiên trì của các nhà cách mạng Việt Nam trong việc truyền bá tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào đất nước. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên chính là mốc khởi đầu của một giai đoạn mới trong phong trào Cách mạng nước ta, mở đường cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 95 năm đã trôi qua từ ngày nhà số 5D Hàm Long chứng kiến sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên nhưng giá trị lịch sử của căn nhà vẫn còn in dấu đậm nét cùng sự phát triển không ngừng của đất nước. Đồng chí Trần Thị Khánh Ly bày tỏ tin tưởng rằng, Chương trình giáo dục chính trị, tư tưởng qua chuyến tham quan Di tích nhà số 5D Hàm Long sẽ là một hành trình trở về với cội nguồn cách mạng của đoàn viên, thanh niên 4 chi đoàn, từ đó giúp mỗi đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh.
 

Đoàn viên, thanh niên 4 chi đoàn thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng
đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc

 
Tại Chương trình, các đoàn viên, thanh niên đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc, đồng thời lắng nghe thuyết minh về ý nghĩa lịch sử của Di tích nhà số 5D Hàm Long.

Cuối năm 1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thuê nhà số 5D phố Hàm Long làm trụ sở bí mật và giao cho đồng chí Trần Văn Cung (tức Nguyễn Quốc Anh) cùng vợ là Nguyễn Thị Liên đến ở và trông nom ngôi nhà. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, thảo luận của các đồng chí xoay quanh vấn đề phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lớn mạnh; số hội viên, thanh niên hoạt động ở các nhà máy, thôn, xã ngày càng đông; tổ chức cơ sở của Thanh niên trong công, nông ngày càng phát triển; sự giác ngộ giai cấp của quần chúng, hội viên được nâng cao; xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt. Tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên không còn thích hợp nữa, đã đến lúc cần phải thành lập Đảng Cộng sản như đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn.

Nhận thức được những đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng nước ta, tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong Ban Lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở nhà số 5D Hàm Long, Hà Nội để thành lập Tổ chức cộng sản - Chi bộ 5D Hàm Long, gồm 8 người: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính do đồng chí Trần Văn Cung làm Bí thư. Sự kiện này mang giá trị lịch sử đặc biệt, tạo nền móng vững chắc cho quá trình phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời, thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên cường của các nhà lãnh đạo cách mạng - những người đã dấn thân vào con đường đấu tranh dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ sự kiểm soát của thực dân Pháp. Chính từ đây, tư tưởng cách mạng đã được truyền bá mạnh mẽ, trở thành nguồn động lực to lớn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân, đứng lên đấu tranh giành lại quyền tự do, độc lập.
 


Đoàn viên lắng nghe thuyết minh về Di tích nhà số 5D Hàm Long

 
Trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Chương trình Giáo dục chính trị, tư tưởng qua chuyến tham quan Di tích nhà số 5D Hàm Long - một trong những “địa chỉ đỏ” tại Thủ đô Hà Nội là dịp để đoàn viên, thanh niên Liên Chi đoàn Tạp chí Ngân hàng, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Thanh toán và Văn phòng NHNN cùng ôn lại những dấu ấn cách mạng anh hùng của dân tộc Việt Nam. Với lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, mỗi đoàn viên, thanh niên của 4 chi đoàn nói riêng, đoàn viên Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương nói chung quyết tâm sẽ kế thừa, phát huy những giá trị cách mạng mà thế hệ cha ông đã dày công gây dựng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
 

Đoàn viên 4 chi đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích nhà số 5D Hàm Long

Ngọc Linh
Theo: Tạp chí Ngân hàng