Liên tiếp phá đỉnh lịch sử, cổ phiếu BID liệu có vững đà tăng?

27/02/2024 - 20:46
(Bankviet.com) Diễn biến của BID có phần gây "sốc" trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng khác vẫn chưa phục hồi lên mốc cao nhất trong 1-2 năm qua...

Phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hút dòng tiền, nhiều mã tăng trần, giúp VN-Index có thêm hơn 12 điểm. Cụ thể, sau phiên 23/2 "bùng nổ" thanh khoản, nhóm ngân hàng tiếp tục đứng đầu về lực hút tiền trong phiên, với 4.131 tỷ đồng.

Liên tiếp phá đỉnh lịch sử, cổ phiếu BID liệu có vững đà tăng?

Tác động đến chỉ số, 5 cổ phiếu góp mặt vào nhóm tác động tích cực nhất VN-Index, trong đó chiếm đến 2 vị trí thuộc nhóm Big4 bao gồm: BID (đóng góp tăng hơn 3% lên 53.600 đồng/CP, VCB tăng 0,67%, lên 89.500 đồng/CP..

Nếu tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, cổ phiếu BID đã tăng một mạch hơn 40% và tăng mạnh liên tiếp trong tháng 2/2024. Mã BID cũng đang ở vùng giá cao nhất trong lịch sử (tính theo giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức) của cổ phiếu này từ khi lên sàn.

Giá trị vốn hóa của BID qua đó cũng tăng vọt lên hơn 296.000 tỷ đồng (xấp xỉ 12 tỷ USD), chỉ xếp sau Vietcombank trong ngành ngân hàng.

Trên đồ thị kỹ thuật, RSI cổ phiếu đã bắt đầu bước vào vùng quá mua. Tuy nhiên, với vị thế giao dịch của các dòng tiền lớn, sự tích cực của cổ phiếu BID được đánh giá có thể được duy trì trong một vài phiên tới.

Tại báo cáo phân tích hồi đầu tháng 12/2023, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) từng khuyến nghị tích cực cổ phiếu ngân hàng BIDV với giá mục tiêu 55.800 đồng/cp.

Liên tiếp phá đỉnh lịch sử, cổ phiếu BID liệu có vững đà tăng?
Sự tích cực của cổ phiếu BID được đánh giá có thể được duy trì trong một vài phiên tới

Diễn biến của BID có phần gây "sốc" trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng khác vẫn chưa phục hồi lên mốc cao nhất trong 1-2 năm qua.

Đà tăng giá tích cực của cổ phiếu được cho là nhờ vào kết quả kinh doanh "sáng sủa". Báo cáo kết quả kinh doanh của BIDV năm 2023 cho thấy đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt kế hoạch.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 2,3 triệu tỷ đồng, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, bảo đảm giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao.

Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1%. Ngân hàng này cũng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.650 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong tốp các ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất năm 2023.

Triển vọng nhóm ngân hàng năm 2024

Đưa ra nhận định về nhóm ngân hàng trong năm 2024, giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm có thể đạt 18,6% ở kịch bản cơ sở - cao hơn mức mức 5% của năm 2023.

Có 4 luận điểm đầu tư đáng chú ý ở nhóm cổ phiếu nhà băng trong năm 2024 gồm: Môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện nhờ mức nền mới của chi phí vốn; việc tăng cường xử lý nợ xấu trong năm 2023 tạo dư địa để các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong năm 2024; triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 khả quan hơn; mức định giá duy trì trong vùng phù hợp để tích lũy.

Theo ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment, Ngân hàng sẽ là "nhóm cổ phiếu của năm 2024". Trên nền lãi suất thấp duy trì được Chính phủ định hướng cộng thêm nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B 1-1,2 lần, cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh.

Một điểm sáng nữa của ngành Ngân hàng là sự thay đổi về chính sách trả cổ tức. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt để bảo toàn vốn cho ngân hàng. Hiện các ngân hàng thương mại đã được cho phép trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngay sau đó, một loạt các ngân hàng đã bắt đầu lấy ý kiến của cổ đông và có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt chưa được đánh giá là tốt hay không nhưng đây là động lực lớn khiến cho các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn đối với ngành. Lợi tức khoảng từ 2-3% thậm chí có ngân hàng lên đến 5%.

Ngoài ra, sự nhập cuộc của dòng tiền lớn chảy vào các cổ phiếu ngân hàng cũng là chất xúc tác lớn đẩy giá cổ phiếu ngành này tăng đột biến. Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, việc giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng do các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào. Một số tổ chức tài chính khác bắt đầu có khuynh hướng giải ngân vào thị trường chứng khoán. Thông thường, các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài sẽ chọn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục vì chiến lược ưu tiên cổ phiếu an toàn, có tính thanh khoản cao do lượng tiền giải ngân của họ rất lớn.

"Cổ phiếu ngân hàng đang được quỹ ngoại săn đón nên dòng tiền thông minh trong nước cũng mua vào để theo dấu chân của cá mập. Ngay cả nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư ngắn hạn "lướt sóng" cũng thấy lực cầu cổ phiếu ngân hàng tăng nên tận dụng cơ hội ngắn hạn để mua vào", ông Trương Hiền Phương phân tích.

Cổ phiếu được khuyến nghị ngày 27/2: FPT, VLB, HAX và PHR

Phiên giao dịch ngày 26/2, các công ty chứng khoán phân tích và đưa ra khuyến nghị mua/bán với một số cổ phiếu: FPT, VLB, ...

3 cổ phiếu xây dựng còn nguyên tiềm năng bứt phá dưới góc nhìn của SSI

SSI nhận định trung lập với ngành xây dựng năm 2024, tuy nhiên vẫn đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi với triển ...

Danh sách mua 130 triệu cổ phiếu phát hành của HAGL đã được ấn định

Với số tiền 1.300 tỷ đồng, HAGL sẽ dùng khoảng 330,5 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi cho ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán