Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký công văn, yêu cầu các sở ngành nhanh chóng triển khai Quy hoạch Điện VIII – kế hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo công văn này, UBND tỉnh Kon Tum sẽ kiên quyết thu hồi và chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định pháp luật, nếu như các nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ đã cam kết.
Điều này nhằm tránh tình trạng những nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính làm chậm tiến độ dự án, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ quy hoạch điện của địa phương. Tỉnh cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, xử lý các khó khăn liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho các dự án điện.
Theo Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2023, Kon Tum có tiềm năng năng lượng tái tạo lên tới 28.644 MW. Tuy nhiên, số lượng dự án và quy mô công suất của tỉnh được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII còn khá thấp.
Theo Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2023, Kon Tum có tiềm năng năng lượng tái tạo lên tới 28.644 MW |
Để khai thác tối đa tiềm năng này, tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét, bổ sung thêm các dự án lưới điện truyền tải và các dự án nguồn điện trong chu kỳ điều chỉnh của Quy hoạch Điện VIII sắp tới.
Cụ thể, tỉnh đã đề xuất bổ sung Trạm biến áp 500 kV Kon Rẫy với công suất 1.800 MVA, cùng với các dự án thủy điện lớn như Sê San 3, Sê San 4 và Sê San 3A với tổng công suất 304 MW. Ngoài ra, tiềm năng phát triển thủy điện tại tỉnh cũng được đánh giá rất cao, với tổng công suất lên tới 475,3 MW và các thủy điện từ hồ chứa thủy lợi với tổng công suất 7,2 MW.
Ngoài thủy điện, Kon Tum còn đề nghị Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII các dự án điện gió, đặc biệt là dự án điện gió trên bờ với tổng nguồn cung cấp lên tới 3.000 MW, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
‘Đại dự án’ điện gió Kon Plông
Một trong những dự án quan trọng hiện đang được triển khai tại tỉnh Kon Tum là Nhà máy điện gió Kon Plông, với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, quy mô công suất 103,5 MW.
Dự án này được thực hiện bởi Công ty TNHH Năng lượng gió Kon Plông, với diện tích sử dụng khoảng 66,04 ha, nằm tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Dự án hiện đang được Bộ Công Thương thẩm định và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Trước đó vào năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Kon Plông.
3 nhà đầu tư được chấp thuận thực hiện Dự án bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd (Singapore), Công ty TNHH Quốc tế NOVA, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng (tương đương 152,86 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 525 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn huy động là 2.975 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), chiếm 85% tổng mức đầu tư.
Dự án điện gió 3.500 tỷ đồng sẽ triển khai tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông |
Nhóm nhà đầu tư này đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Năng lượng gió Kon Plông để thực hiện dự án.
Cơ cấu góp vốn của nhà đầu tư bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd góp 440,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 83,9%); Công ty TNHH Quốc tế NOVA góp 21,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,02%) và Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát góp 63,4 tỷ đồng (chiếm 12,08%).
Thời điểm đó, tiến độ thực hiện dự án được ấn định gồm các giai đoạn, từ tháng 7/2021 - tháng 8/2022, chuẩn bị đầu tư, hoàn thành các thủ tục pháp lý; từ tháng 8/2022 - tháng 2/2023, khởi công xây dựng các hạng mục công trình; từ tháng 2 - 4/2023, hoàn thành và đưa dự vào đi vào hoạt động.
Trong số các nhà đầu tư đề xuất dự án, sự xuất hiện của Thành Phát SDC gây nhiều chú ý, bởi đây là một nhà thầu xây lắp – ‘tay chơi lạ’ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Có địa chỉ tại số 16 hẻm 71/14/3 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát đã tạo lập được vị thế đáng nể trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư công.
Một vài gói thầu lớn ghi nhận sự góp mặt của Thành Phát thời gian qua gồm: Gói XD01 - Thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km42+00, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng (Ban QLDA 5, giá trúng thầu 662.317.850.000 đồng);
Gói thầu số 32, Dự án Đường vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai (Dự án thành phần 3), giá trúng thầu 799.838.454.099 đồng.
Dữ liệu cho thấy Thành Phát là nhà thầu khá tên tuổi, từng được công bố trúng ít nhất 32 gói thầu. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp này đã trúng 8 trên tống số 11 gói thầu tham gia. Kinh tế Chứng khoán Việt Nam sẽ dành thời lượng về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp này trong bài viết sau.
Cao Thái