Lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ, giá cà phê xuất khẩu biến động mạnh Lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển bị gián đoạn, giá cà phê xuất khẩu tiến tới vùng cao nhất |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 23/01, giá Arabica nhích nhẹ 0,36% trong khi giá Robusta tiếp tục giảm thêm 1,18 % so với tham chiếu. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ do các cuộc tấn công trên Biển Đỏ đã giữ giá Robusta tiếp tục nằm ở vùng giá cao nhất nhất 16 năm.
Với Arabica, khi mới mở cửa, giá quay đầu giảm với tín hiệu cải thiện từ tồn kho. Trong báo cáo kết phiên 22/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn tại các kho của Sở ICE-US tăng 870 bao loại 60kg khi kết phiên 22/1. Dù không phải là con số lớn nhưng điều này cũng trấn an tâm lý thị trường sau khi giảm mạnh hơn 10.000 bao trước đó.
Giá Arabica nhích nhẹ 0,36% trong khi giá Robusta tiếp tục giảm thêm 1,18 % so với tham chiếu |
Sau đó, giá được hỗ trợ bởi yếu tố kỹ thuật và sự đi xuống của tỷ giá, lấy lại những gì đã mất từ đầu phiên. Sang phiên tối, tỷ giá USD/BRL yếu đi, gây tâm lý hạn chế bán cà phê cho nông dân Việt Nam, từ đó thúc đẩy giá cà phê hồi lại.
Thời điểm cuối năm 2023, giá cà phê Robusta chạm mốc kỷ lục 3.000 USD/tấn. Như vậy, sau một năm, giá cà phê Robusta thế giới tăng mạnh tới 50%.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica có mức tăng chậm trong vòng một năm qua. Giá cà phê Arabica kỳ hạn gần trên sàn giao dịch New York vẫn đang dao động quanh mức 185 US Cent/lb không đổi so với một tháng trước và chỉ tăng 12% so với cách đây một năm.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil. Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Các nguồn cung ở châu Á, tình trạng khan hàng đang diễn ra, Ấn Độ giá quá cao. Indonesia dành phần lớn sản lượng cho tiêu thụ nội địa. Tồn kho cuối vụ dự kiến tiếp tục thắt chặt và giảm xuống chỉ còn 26,5 triệu bao, mức thấp nhất trong 12 năm qua.
Trong khi đó, nhà sản xuất Việt Nam, dù đang đi qua những ngày cuối của vụ thu hoạch. Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 mặc dù kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp Việt Nam dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023/24 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa nhỏ nhất trong 4 năm, do hạn hán. Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu trong vài tuần qua của Việt Nam đều ghi nhận tăng giá. Cụ thể, ngày 22/1, giá cà phê Arabica tăng 3,83% - mức cao nhất trong 3 tuần; giá cà phê Robusta cao nhất 16 năm sau khi tăng 2,94% so với tham chiếu.
Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh những tuần đầu năm 2024 |
Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho biết, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng trong kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.
Năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của giá cà phê trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho ngành cà phê tiếp tục gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm. Tính bình quân năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Theo phân tích thị trường cà phê thế giới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2024 khi còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao.
Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ. Trong khi đó, tình hình nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá ảm đạm khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh.
Các nhà mua hàng cà phê thế giới đổ về Việt Nam tìm cà phê. Nhưng hiện tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới do cước phí vận tải tăng cao làm cho giá cả hàng hóa tăng, người mua không chấp nhận giá mới. Đồng thời, các nhà xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn về việc các hãng tàu tự động áp thêm phụ phí chiến tranh cho các lô hàng đã được xếp lên tàu từ tháng 12/2023 với mức phí khoảng 1.000-2.700 USD cho cont từ 20-40 feet. Điều này cũng khấu trừ vào giá hàng hóa, đẩy cà phê tăng mạnh trở lại.
Trong ngắn hạn, điều kiện khí hậu ở Brazil, dữ liệu tồn kho được chứng nhận và xung đột địa chính trị quốc tế tiếp tục được chú ý.
Ngọc Ngân