Lo ngại Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

02/04/2024 - 23:59
(Bankviet.com) Cùng với nhập khẩu chính ngạch, tình trạng nhập lậu diễn ra trên diện rộng sẽ khiến Việt Nam trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
VIPA kiến nghị kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi 1,41 tỷ USD nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi Quý I/2024, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 113 triệu USD

Mỗi tuần nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý I/2024, ước kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 702 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 336 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa là 236 triệu USD.

Việt Nam đang nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt từ 37 thị trường trên thế giới
Việt Nam đang nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt từ 37 thị trường trên thế giới

Tuy nhiên, theo ý kiến của các hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Bởi lẽ, có thể nói so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Theo số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515 ngàn USD. Ngoài con số nhập khẩu chính ngạch nêu trên, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu).

Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000 - 8.000 con heo thịt (khối lượng 100 - 120 kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống…

Chia sẻ tại buổi họp giao ban khối chăn nuôi quý II và nghe báo cáo một số kiến nghị của hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 2/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm - nhấn mạnh cần kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Với nhập khẩu chính ngạch, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hướng xử lý là hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giao Cục Thú y sửa đổi Thông tư 25/2016 - đây là cơ hội để rà soát lại và bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

Trong việc sửa đổi này, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng kiến nghị cơ quan chức năng thay đổi lại quy định phần trăm lấy mẫu kiểm tra, theo đó, thay vì cứ 6 container sẽ lấy mẫu kiểm tra 1 container thì bây giờ lấy tất 100% container sản phẩm thịt nhập khẩu. Đây là cách để vừa kiểm soát chất lượng, hạn chế rủi ro dịch bệnh; đồng thời làm đội giá nhập khẩu lên từ đó sẽ bảo vệ được sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chẳng hạn như đưa chỉ tiêu Salmonella chỉ tiêu E.coli vào sản phẩm thịt nhập khẩu.

Mặc dù hiện nay, một số doanh nghiệp phản đối kiến nghị này, tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, đây là việc buộc phải làm bởi vì đây là chỉ tiêu liên quan an toàn thực phẩm. Đồng thời, rà soát bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn, từ đó, tạo hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Đối với nhập lậu, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, năm ngoái Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cùng các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nên đã kiểm soát khá tốt việc nhập lậu gia cầm từ biên giới phía Bắc, từ đó tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, nhập khẩu gà lậu, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam vẫn diễn ra. Theo con số cập nhật ước tính hiện nay, mỗi tuần chúng ta nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt Lào, tương đương 240 tấn/tuần và 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan. Con số này là khá lớn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, một số doanh nghiệp được nhập khẩu chính thức do họ nuôi gà ở Thái Lan sau đó nhập khẩu về Việt Nam, nhưng cũng có một số doanh nghiệp trà trộn gà đẻ thải loại và nhập khẩu vào Việt Nam qua biên giới.

Do đó, cuộc chiến chống buôn lậu cần phải làm liên tuc. Cần tổ chức chiến dịch kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch và cả chính ngạch ở miền Trung và phía Nam.

Lo ngại Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

Tình hình sản xuất và thương mại chăn nuôi trong nước thời gian qua và hiện nay đang phải đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy.

Theo đó, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò. Bên cạnh đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, bên cạnh việc bỏ công bố hợp quy đối với thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi nhằm giúp giảm phát sinh những chi phí gia tăng đối với sản phẩm chăn nuôi, chúng ta cũng không nên áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm chăn nuôi ở giai đoạn sơ chế.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm soát sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, trong đó, với hàng chính ngạch thì cần gia tăng việc xây dựng hàng rào thương mại, việc không dễ nhưng buộc phải làm. Đây là việc tự vệ chính đáng để bảo vệ sản xuất trong nước.

“Tiêu chuẩn của Mỹ về thời hạn sử dụng thịt đông lạnh chỉ 4 – 5 tháng, còn chúng ta nhập khẩu về để bao nhiêu tháng trong kho?”, ông Nguyễn Xuân Dương đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng kiến nghị, cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. “Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 3 - 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh và cho hay, đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương