Ông Vũ Quang Hội, nhà sáng lập Bitexco Group. |
Công ty TNHH Saigon Glory là thành viên của Bitexco Group. Vài tháng gần đây, Saigon Glory là cái tên gây ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, Saigon Glory nổi tiếng với đại chúng trên vai trò là chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon (từng có tên One Central Saigon), một dự án có vị trí đắc địa tại khu tứ giác Bến Thành thuộc trung tâm quận 1 (TP.HCM) với 4 mặt tiền: đường Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette và đối diện chợ Bến Thành.
Nói thêm về The Spirit of Saigon, đây là dự án có diện tích đất hơn 8.500m2, bao gồm hai tòa tháp cao 55 tầng (cho thuê văn phòng và khách sạn) và 48 tầng (các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm). Dự án có thời hạn sử dụng 50 năm kể từ tháng 4/2013.
Sở hữu khu đất “vàng” giữa lòng TP.HCM, cùng với tiềm lực “khủng” lên đến 7.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhờ điểm tựa Bitexco Group, Saigon Glory không khó để tiếp cận dòng vốn trái phiếu trị giá cả vạn tỷ đồng để phát triển dự án. Năm 2020, chủ đầu tư The Spirit of Saigon tiến hành hoạt động chào bán 100 triệu trái phiếu riêng lẻ ra thị trường, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, với sự hậu thuẫn của một ngân hàng lớn và Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Mặc dù khối lượng trái phiếu phát hành là rất lớn, song không mất nhiều thời gian để các nhà đầu tư chuyên nghiệp “hấp thụ” toàn bộ dưới bàn tay phân phối dầy kinh nghiệm của phía TVSI. Kết quả, Saigon Glory nhanh chóng thu về đủ 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 6-8/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành mạnh mẽ khắp thế giới.
Một nửa trái phiếu phát hành của Saigon Glory (trị giá 5.000 tỷ đồng) có kỳ hạn là 3 năm, số còn lại có kỳ hạn kéo dài 5 năm, nhưng cùng chung mức lãi suất 11%/năm.
Bước sang năm 2023, các trái chủ của Saigon Glory bắt đầu “đứng ngồi không yên” khi doanh nghiệp liên tục “khất” trả lãi và thậm chí đến sát thời điểm đáo hạn (từ tháng 6/2023), tổ chức phát hành cũng không có động thái thanh toán đúng hẹn, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bức xúc.
Tình hình thanh toán lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Saigon Glory, cập nhật từ ngày 1/1 - 30/6/2023. |
Tới nay, Saigon Glory chính thức thành “con nợ xấu” của gần 3.000 nhà đầu tư khi chưa thanh toán được cả gốc và lãi của 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Lý giải nguyên nhân, Saigon Glory cho biết do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, doanh nghiệp chưa thể triển khai kế hoạch kinh doanh của dự án nên chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
Trong một nỗ lực giải quyết khối nợ “khổng lồ”, chủ đầu tư The Spirit of Saigon đã tổ chức Hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh tăng kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, hội nghị đã bất thành vì không đủ túc số tham dự.
Tại thông báo phát đi cuối tháng 7, Saigon Glory cho biết đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu. Dù vậy, giới quan sát lo ngại, không dễ để Saigon Glory có thể đạt được thỏa thuận với gần 3.000 nhà đầu tư trái phiếu của họ, và áp lực sẽ ngày một dồn nén với thành viên cốt cán của Bitexco Group trong thời gian tới.
Nếu Saigon Glory và trái chủ không tìm được tiếng nói chung, TVSI với tư cách đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý phát hành sẽ tiếp tục yêu cầu phía ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm thực hiện xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn về cho nhà đầu tư.
Cần biết, tài sản bảo đảm mà Saigon Glory sử dụng cho các lô trái phiếu này chính là dự án trọng điểm The Spirit of Saigon. Giả định, nếu dự án được sang tên thành công cho đối tác khác, toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng để thanh toán chi phí xử lý tài sản, nộp thuế sau đó trả lãi quá hạn, lãi đến hạn và gốc trái phiếu.
Số tiền còn lại sẽ được hoàn trả cho tổ chức phát hành. Tuy nhiên, trong trường hợp tiền xử lý tài sản đảm bảo không đủ để thanh toán lãi, gốc trái phiếu thì doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung thêm để hoàn trả đẩy đủ cho trái chủ.
Song nhà đầu tư cũng cần lưu tâm, xử lý tài sản bảo đảm lớn như dự án The Spirit of Saigon là hành trình dài hơi, phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp luật và diễn biến của thị trường.
Vì vậy, kịch bản lạc quan nhất là Saigon Glory hay Bitexco Group có thể “xoay xở” dòng tiền từ nơi khác về để bù đắp cho số nợ trái phiếu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án The Spirit of Saigon để chủ đầu tư sớm “lượm quả” hơn. Hoặc là, nhà đầu tư sẽ tiếp tục tin tưởng vào uy tín và năng lực kinh doanh của Bitexco Group mà chấp thuận gia hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm nữa.
Thành lập từ năm 2018, Saigon Glory đến hết năm 2022 vẫn không ghi nhận doanh thu, là mẫu doanh nghiệp dự án điển hình, không có hoạt động kinh doanh nào khác. Cuối năm 2022, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng. Cùng thời điểm, nợ phải trả của Saigon Glory tiếp tục tăng lên so với năm 2021, đứng ở mức 27.327 tỷ đồng. Trong đó, như đã biết, dư nợ trái phiếu chiếm 10.000 tỷ đồng, còn lại là các khoản nợ dài hạn khác. Với vốn chủ sở hữu 6.847 tỷ đồng, tổng nợ trái phiếu là 1,46 lần, và tổng nợ phải trả là 4 lần, tương đối cao so với các doanh nghiệp cùng ngành khác và ẩn chứa nhiều rủi ro thanh toán.
|
Giữa bối cảnh kinh tế ảm đạm, một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản như Bitexco Group chẳng dễ để thoát ra ngoài vòng xoáy khó khăn đó. Cứ nhìn vào sự vắng vẻ, đìu hiu của tòa nhà Bitexco Financial Tower (phường Bến Nghé, TP.HCM) là có thể thấy doanh thu từ cho thuê mặt bằng trung tâm thương mại đang suy kiệt. Biểu tượng “xa hoa” một thời của TP.HCM phản ánh phần nào sự ảm đạm trong hoạt động thương mại - dịch vụ của Bitexco Group.
Tòa tháp Bitexco Financial Tower, biểu tượng nổi bật của TP.HCM. |
Đó là chưa kể, mảng đầu tư trọng yếu khác của doanh nghiệp là năng lượng tái tạo cũng không gặp "thiên thời, địa lợi". Doanh nghiệp trước đó không tiếc tiền "đổ" vào loạt dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện trên khắp tỉnh thành đất nước. Khởi công dự án năng lượng khiến Bitexco Group "đốt" số tiền lớn, và liên tục sử dụng đòn bẩy hỗ trợ hoạt động đầu tư, chủ đạo vẫn là huy động từ kênh trái phiếu.
Tuy vậy, khác với triển vọng của nhiều năm trước, đến nay thị trường năng lượng tái tạo đang rơi vào trạng thái "ngủ đông" để chờ tháo gỡ những "điểm nghẽn" chính sách, thủ tục. Điều đó khiến bức tranh tài chính của Power Holdings, BB Sunrise Power hay Namphuong Energy càng thêm "xám xịt" trước sự thật là họ đang liên tục thua lỗ, nợ nần trái phiếu chồng chất.
Bên cạnh những tác động đến từ sự trầm lắng của nền kinh tế, Bitexco Group gần đây còn vướng vào "lùm xùm" liên quan đến thanh tra, vi phạm ở hai dự án lớn là Khách sạn JW Marriott và The Manor Central Park (Hà Nội).
Cụ thể, cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó, đề cập đến tình hình chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch của dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội do Bitexco Group làm chủ đầu tư.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt vi phạm, từ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu nhưng chưa được HĐND TP. Hà Nội thông qua; UBND TP. Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp chưa đúng diện tích theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; cho đến Bitexco Group được hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt vi phạm tại Khách sạn JW Marriott do Bitexco làm chủ đầu tư. |
Vận đen tiếp tục đeo bám Bitexco Group đến tháng 8 này, khi mới đây, chính quyền Hà Nội quyết định thu hồi hơn 52.900m2 (khoảng 5,3ha) đất tại dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park) trước ngày 15/9.
Trong văn bản ký ngày 17/8, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu nếu hết thời hạn trên, chủ đầu tư dự án vẫn không phối hợp, thành phố sẽ giao hai Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng các biện pháp hành chính để thu hồi đất.
Đồng thời, Hà Nội cũng giao UBND quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với Sở Tài Nguyên - Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp chấm dứt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trái phép trên diện tích do Bitexco Group đang quản lý để bàn giao cho thành phố.
Được biết, The Manor Central Park có quy mô khoảng 90ha, được Hà Nội phê duyệt hồi tháng 4/2011 nhưng đến năm 2014 mới khởi công. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1,9 tỷ USD.
Một phần đất trong dự án này được trả đối ứng cho hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Hiện nhiều hạng mục tại The Manor Central Park đã được bàn giao cho cư dân và đưa vào vận hành. Nhiều căn biệt thự, shophouse tại dự án được bán với giá 1 - 3 triệu USD.
Theo quyết định cuối năm 2019, Hà Nội đã yêu cầu thu hồi 5,3ha đất nói trên, trong đó 2,3ha là quỹ đất công cộng phải bàn giao cho thành phố và gần 3 ha là quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không có động thái hoàn trả theo yêu cầu của chính quyền thành phố.
Bitexco Group được thành lập năm 1985, được sáng lập và phát triển bởi hai anh em ông Vũ Quang Hội và Vũ Quang Bảo, tiền thân là một công ty dệt tại Thái Bình.
Sau hơn 30 năm hoạt động, doanh nghiệp trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành, với 3 trọng tâm chính gồm: bất động sản, năng lượng tái tạo và thương mại - dịch vụ.
Trong hệ sinh thái rộng lớn, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco Group) là nền móng của tập đoàn. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Bitexco Group (công ty mẹ) đạt 26.546 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với năm trước đó.
Bitexco Group sử dụng 17.270 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty con (tương đương 65% tài sản), trong đó có thể kể đến pháp nhân tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Khách sạn và Du lịch JWM (vốn điều lệ đăng ký 4.105 tỷ đồng) và Công ty CP Bitexco (5.933 tỷ đồng).
Việc phân bổ phần lớn tài sản là cổ phần tại các công ty con như doanh nghiệp chuyên đầu tư tài chính, Bitexco Group biến doanh thu từ hoạt động tài chính trở thành doanh thu cốt lõi, năm 2022 ghi nhận đến 1.953 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2021 và cao hơn 2 lần so với doanh thu thuần (1.013 tỷ đồng).
Điều đó giúp lợi nhuận sau thuế của Bitexco Group năm 2022 đạt 1.913 tỷ đồng, tăng 887% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trên chưa xô đổ được kỷ lục Bitexco Group từng bất ngờ thiết lập trong năm Covid 2020, với gần 2.100 tỷ đồng.
“Mãnh tướng” mang lại khoản doanh thu tài chính “kếch xù” cho Bitexco Group năm 2022 là Công ty CP Bitexco. Theo đó, doanh nghiệp này vừa chứng kiến lợi nhuận sau thuế tăng khá mạnh 73% so với cùng kỳ lên 1.600 tỷ đồng, gia tăng phần cổ tức chảy về công ty mẹ.
Còn về Công ty TNHH MTV Khách sạn và Du lịch JWM, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2018 với số vốn điều lệ 4.105 tỷ đồng do Bitexco Group nắm toàn 100% cổ phần, dường như các năm sau đó đã lập tức “đóng băng”, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành làm thủ tục giải thể. Tại Khách sạn và Du lịch JWM, ông Vũ Quang Bảo trực tiếp thân chinh giữ vai trò Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật.
Về nguồn vốn, Bitexco Group huy động 16.387 tỷ đồng từ bên ngoài thể hiện qua tổng nợ phải trả. Vốn nội tại của doanh nghiệp chiếm 10.159 tỷ đồng, trong đó 6.330 tỷ đồng được góp từ chủ sở hữu, còn lại 3.829 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
10.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn, công ty con của Bitexco xoay xở thế nào? Mới đây Chứng khoán Tân Việt (TVSI) yêu cầu tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory đang lưu hành, hoặc ... |
Nợ phải trả tới hơn 1 tỷ USD, công ty con của Bitexco làm gì với 3.000 tỷ trái phiếu quá hạn? Công ty con của Bitexco đã tổ chức Hội nghị trái chủ cho các lô trái phiếu tổng giá trị 3.000 tỷ đồng nêu trên, ... |
Điểm tin doanh nghiệp tuần qua: Bitexco, Bamboo Airways, 34.000 tỷ hóa đơn...là tiêu điểm Doanh nghiệp tuần qua vẫn nóng vụ nợ trái phiếu quá hạn, hé lộ thông tin doanh nghiệp viết 34.000 tỷ đồng hóa đơn trong ... |
Vân Oanh