Trong quý III/2024, bức tranh ngành hóa chất đang chia làm hai mảng sáng tối rõ rệt. Trong khi những doanh nghiệp nhỏ hơn như Hóa chất Cơ bản Miền Nam (Sochem, HOSE: CSV) và Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) có màn bứt phá mạnh mẽ, thì Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) – ông lớn đầu ngành lại đang phải đối diện với sự sụt giảm lợi nhuận.
Hóa chất Việt Trì: Tăng trưởng "nhảy vọt"
Hóa chất Việt Trì đã thực sự bùng nổ trong quý III khi doanh thu thuần đạt 378 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt gần 27 tỷ đồng, gấp 22 lần so với quý III/2023. Đơn vị này đã tận dụng tốt việc giá bán các sản phẩm tăng và tung ra thị trường chất khử trùng Vi-Chlorine, tạo đà cho nguồn thu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng một phần do mức nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm ngoái, khiến mức tăng đột biến trở nên tương đối.
Hình minh họa. |
Nhìn rộng ra, tính từ đầu năm, Hóa chất Việt Trì ghi nhận doanh thu 1.178 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 67 tỷ đồng. So với mục tiêu năm 2024 là doanh thu 1.561 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành 75% chỉ tiêu doanh thu và 64% chỉ tiêu lợi nhuận.
Dù kết quả tăng trưởng vượt trội, cấu trúc tài chính của Hóa chất Việt Trì vẫn tiềm ẩn rủi ro khi nợ phải trả lên tới 307 tỷ đồng, vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy áp lực về vốn lưu động và khả năng thanh toán trong ngắn hạn của công ty vẫn là một bài toán khó.
Hóa chất Cơ bản Miền Nam: Cú "lội ngược dòng" mạnh mẽ
Hóa chất Cơ bản Miền Nam cũng không hề kém cạnh khi doanh thu tăng 25% lên trên 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả tốt nhất trong 8 quý trở lại đây, ộng lực của sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào việc công ty tăng mạnh sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính như NaOH, H2SO4, và phốt pho vàng – những nguyên liệu cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng trong nhiều ngành sản xuất.
Không chỉ vậy, công ty này còn nắm giữ một cấu trúc tài chính vững chắc với tổng tài sản hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm tới 41%. Với con số vay nợ tài chính chưa đến 77 tỷ đồng, Hóa chất Cơ bản Miền Nam đang nắm giữ lợi thế lớn trong việc duy trì sự ổn định và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Với kết quả kinh doanh đạt được, công ty đã hoàn thành 82% chỉ tiêu doanh thu và đạt đến 98% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2024. Đây rõ ràng là một màn lội ngược dòng ấn tượng, đưa CSV vào vị trí dẫn đầu trong khối hóa chất nhà nước về tốc độ tăng trưởng.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang: "Ông lớn" lạc nhịp
Trái ngược với sự bùng nổ của các doanh nghiệp nhỏ hơn, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang – doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hóa chất – lại đang gặp khó khăn khi lợi nhuận sụt giảm. Dù doanh thu quý III tăng 4% lên 2.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 738 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ việc hụt nguồn thu tài chính và chi phí bán hàng tăng cao, tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận của công ty.
Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu của Đức Giang chỉ tăng nhẹ, đạt 7.447 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 7%, xuống còn 2.322 tỷ đồng. Mặc dù đã hoàn thành 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 74% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngành hóa chất đang thể hiện sự phân hóa rõ rệt khi các doanh nghiệp nhỏ hơn như Hóa chất Cơ bản Miền Nam và Hóa chất Việt Trì tận dụng tốt đà tăng trưởng thị trường, trong khi Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại chật vật trong việc duy trì lợi nhuận. Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp trong ngành không chỉ nằm ở quy mô, mà còn ở cách họ thích ứng và đối phó với những biến động của thị trường.
Ngành nông sản bùng nổ: Cà phê và hồ tiêu Việt Nam tăng trưởng mạnh, chinh phục thị trường quốc tế Giá cà phê hôm nay (21/10) duy trì ổn định trên cả hai sàn giao dịch quốc tế, trong khi kim ngạch xuất khẩu cà ... |
Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS): Báo lãi Q3/2024 tăng mạnh nhờ lượng hàng hóa phục hồi Mới đây, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh ... |
Phạm Hường