Luật hóa nợ xấu: Đặt nền móng pháp lý cho niềm tin tín dụng

15/05/2025 - 12:26
(Bankviet.com) Việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm thể chế hóa Nghị quyết 42, tạo hành lang pháp lý thống nhất, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Nợ xấu cản đường vay vốn Lãi suất, nợ xấu tác động lên kế hoạch lợi nhuận ngân hàng 2025 Luật hóa để làm tan cục ‘máu đông’ nợ xấu

Cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân nợ xấu gia tăng nhà điều hành đưa ra chủ yếu do: Kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực và chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ.

“Cùng với đó, năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro”, Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên nhân; đồng thời khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là thực sự cần thiết.

Luật hóa nợ xấu: Đặt nền móng pháp lý cho niềm tin tín dụng
Nợ xấu đang có xu hướng tăng, cần gỡ vướng về pháp lý. Ảnh minh họa

Mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được nhà điều hành nêu rõ:

Thứ nhất, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.

Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Điều này nhằm triển khai đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

3 chính sách được luật hóa

Quan điểm xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xử lý nợ xấu. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy tốt hiệu quả khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, trong đó bao gồm: Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

“3 chính sách được luật hóa phải được xác định rõ ràng nội dung và đánh giá tác động cụ thể; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Đáng chú ý, việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy, nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng, với tổng giá trị vượt 265 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có tới 22/27 ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, có tới 14 nhà băng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương