Lượng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đang tăng nhanh

01/11/2023 - 20:13
(Bankviet.com) Một trong những nguyên nhân chính của việc người lao động lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần là do không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm và một phần nhỏ là lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016- 2022, cả nước có 4.847.344 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH (chiếm 26% số người hưởng BHXH một lần).

Lượng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đang tăng nhanh
Ảnh minh họa

Những người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần).

Điều này cho thấy, việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ, số đông lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn), mặt khác cũng do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ.

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) từ hơn 8.300 người lao động vào cuối tháng 4/2023 cho thấy, về tình trạng việc làm, có 31% người được khảo sát đang trong tình trạng không có việc làm.

Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng vẫn còn khá cao. Ban IV cho rằng, bối cảnh này có nhiều thách thức đối với thị trường lao động.

Xét theo địa phương thì TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là nơi có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Về nguyên nhân không có việc làm của người lao động, khảo sát cho thấy có 32,4% người lao động không có việc cho biết họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh; 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí vì không có đơn hàng.

Liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút BHXH một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Như vậy, khảo sát trên phần nào cho thấy, một trong những nguyên nhân chính của việc người lao động lựa chọn hưởng BHXH một lần là do không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm và một phần nhỏ là lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án giải quyết trong hồ sơ Luật BHXH sửa đổi.

Phương án một, phân loại hai nhóm lao động để giải quyết hưởng một lần. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút một lần nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu. Nhóm còn lại bắt đầu đi làm và đóng bảo hiểm xã hội từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp, sức ...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Kỳ vọng Hoa Kỳ sớm vào top 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ phát triển các dự án đầu tư quy mô lớn hơn, góp ...

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán