Quy mô sản xuất dầu thô của nhóm nước ngoài OPEC+ trong đó có Mỹ đang tăng lên. Mức tăng trưởng của sản xuất dầu thậm chí có thể cao hơn so với tăng trưởng của nhu cầu đang chững lại.
Phía OPEC+ trong khi đó phản ứng lại bằng cách cam kết giảm sản lượng sâu hơn, tuy nhiên các nhà đầu tư trên thị trường hoài nghi về khả năng động thái của OPEC+ có thể gây ra ảnh hưởng đủ lớn.
Sự kết hợp của những yếu tố trên đã khiến cho giá dầu thô, cả dầu Brent và WTI, ghi nhận năm giảm đầu tiên tính từ năm 2020. Trong năm 2023, cả giá dầu Brent và WTI hạ đến hơn 10%. Diễn biến giá dầu đồng thời chịu ảnh hưởng bởi việc nhiều nhà đầu cơ trở nên thận trọng hơn trên thị trường và vì vậy tạo ra nhiều đợt biến động giá khác thường.
Không ít chuyên gia khẳng định hiện tại họ rất khó dự báo về thị trường. Trưởng bộ phân đầu tư hàng hóa tại Quỹ Northern Trace Capital LLC, ông Trevor Woods, khẳng định: “Việc dự báo về giá dầu trong khoảng thời gian dài hơn một quý dường như quá khó. Năm nay thực sự là một năm quá khó đoán. Giá dầu hiện đang khá phụ thuộc vào việc OPEC+ có quan điểm như thế nào về giá dầu. Chính vì vậy, nếu nhóm này không thể thống nhất về việc hạ sản lượng, giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa”.
Hiện tại đang có quá nhiều chỉ báo tiêu cực cho giá dầu. Trên thị trường tương lai, giá dầu Brent giao các hợp đồng gần đang thấp hơn so với các hợp đồng giao sau. Tâm lý của nhiều thành viên thị trường đang bi quan nhất trong hơn một thập kỷ. Trạng thái nắm giữ dầu của nhiều thành viên thấp nhất tính từ năm 2011, theo số liệu của Bloomberg.
“Thị trường giờ đây đã chuyển sang trạng thái chờ đợi, đó là khi thị trường cần đến thêm nhiều yếu tố kết hợp ví như tồn kho, dự trữ giảm cũng như nhu cầu mua dầu gia tăng”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Macquaire – ông Vikas Dwivedi phân tích.
Ít nhất hai lần trong năm 2023, các chuyên gia quản lý quỹ đã phản ứng với các quyết định hạ sản lượng của OPEC+ bằng cách bán mạnh. Việc họ mất niềm tin vào năng lực cân bằng thị trường của OPEC+ kết hợp với việc giao dịch thuật toán được sử dụng trong đến 80% tổng giao dịch hàng ngày trên thị trường năng lượng đã tạo ra thêm nhiều đợt suy giảm của giá dầu.
Giao dịch thuật toán có diễn biến hoàn toàn độc lập không liên quan đến các yếu tố căn bản trên thị trường. Việc nhiều nhà đầu tư điều chỉnh trạng thái đang làm yếu đi mối liên hệ giữa thị trường tương lai với các yếu tố dịch chuyển bình thường trên thị trường.
Nhà đầu cơ trên thị trường sẽ cần đến nhiều yếu tố có thể thuyết phục được họ trước khi họ mua dầu vào nhiều hơn trong năm 2023. Kết quả khảo sát của Bloomberg cho thấy nhiều quỹ đầu cơ hàng hóa dự báo lợi nhuận thu về sẽ giảm xuống mức thấp nhất tính từ năm 2019 còn giá các loại hàng hóa nguyên liệu thô có thể sẽ có năm giảm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng tự nguyện 900.000 thùng dầu/ngày vài tuần trước khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi. Không ít thành viên thị trường không tin vào việc OPEC+ sẽ thực hiện đầy đủ việc cắt giảm sản lượng theo cam kết nhằm giảm được lượng dầu thừa thãi trên thị trường.
“Nhóm OPEC+ đang đương đầu với “bài toán khó” trong việc cân đối nguồn cung dầu. Lý do là bởi ngay khi OPEC+ giảm sản lượng, phía các doanh nghiệp năng lượng của Mỹ lập tức sẽ phản ứng bằng cách gia tăng sản lượng”, trưởng bộ phận giao dịch năng lượng và hóa chất tại JP Morgan Chase & Co – ông Parsley Ong phân tích.
Tại Mỹ, sản lượng dầu thô trong tháng trước chạm mức kỷ lục 13,1 triệu thùng khi mà nhiều nhà khai thác tại khu vực lớn của nước Mỹ gia tăng sản lượng lên ngưỡng cao hơn so với kỳ vọng.
Trong năm 2024, sản lượng dầu tại Mỹ được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Brazil và Guyana cũng tăng mạnh sản lượng, nguồn cung dầu toàn cầu như vậy ngày một được bổ sung.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nhu cầu, tăng trưởng tiêu thụ dầu chững lại khi mà các hoạt động kinh tế yếu đi, theo báo cáo triển vọng thị trường năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế Mỹ (IEA). IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng ước tính 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay.
Đăng Tuấn