Mạnh tay hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa tiếp tục có cuộc họp bàn với các thành viên Tổ soạn thảo để có thể sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Dự thảo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa đưa ra lấy ý kiến công luận vào cuối tháng 6/2024.
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song những nguyên tắc cơ bản và điều khoản quan trọng nhất vẫn được nhất quán rằng, việc ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư ở thời điểm này là rất cần thiết để cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; cũng như củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, chạy đua thu hút đầu tư gay gắt giữa các quốc gia; và tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Theo Dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ là các đối tượng được hưởng lợi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tùy vào việc đáp ứng được các tiêu chí được đưa ra trong Dự thảo Nghị định, các đối tượng này sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ bằng tiền mặt cho các chi phí như đào tạo nguồn nhân lực, R&D, sản xuất công nghệ cao…
Tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam nâng “chất” nền kinh tế. |
Đây chính là các hình thức hỗ trợ đầu tư mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng, trong khi tại Việt Nam thì chưa được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật. Đồng thời, cơ chế này phù hợp với các khuyến nghị của OECD trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
“Các dự án bán dẫn thường có yêu cầu hỗ trợ rất cao, bao gồm bằng tiền mặt, có khi lên đến 30-40% tổng vốn đầu tư của dự án. Một số nước thậm chí hỗ trợ 50-70%. Trong khi đó, chúng ta chưa có quy định về việc này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã rất mạnh tay chi tiền hỗ trợ để lôi kéo các “đại bàng”, nhất là các “đại bàng” công nghệ. Cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều đã sẵn sàng “móc hầu bao” hàng tỷ USD để thu hút các dự án quy mô lớn của Intel, Samsung, TSMC… Các nước trong khu vực, như Thái Lan, Singapore… cũng dành những nguồn lực không nhỏ để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Chẳng hạn, Thái Lan phân bổ 50-70% số tiền thu thuế bổ sung vào “Quỹ nâng cao năng lực” để hỗ trợ doanh nghiệp. Singapore dự kiến hỗ trợ 50% các chi phí đủ điều kiện trong các lĩnh vực cốt lõi, các khoản đầu tư mới, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo… “Đây là một ‘cuộc chơi’, mà nếu không đáp ứng được, nhà đầu tư sẽ đi mất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để không bỏ lỡ “cuộc chơi”
Để không bỏ lỡ “cuộc chơi”, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư mới là cần thiết. Không chỉ các nhà đầu tư, mà cả các chuyên gia, các cơ quan tư vấn chính sách cho Việt Nam đều cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư, dựa trên chi phí chứ không phải dựa trên thu nhập. Và thậm chí, cần thiết phải hỗ trợ đầu tư bằng tiền mặt, như nhiều quốc gia đã và đang áp dụng.
Thông tin cho biết, nhiều tập đoàn lớn vẫn đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Samsung là một trong những ví dụ điển hình. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc mới đây, Chủ tịch tập đoàn này, ông Lee Jae Yong cho biết, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu. |
“Để không bị chậm chân, cũng như để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, Việt Nam cũng nên có những bước đi tương tự. Hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ giúp các doanh nghiệp bù đắp một phần nghĩa vụ thuế tăng lên, giúp họ đẩy mạnh đầu tư vào R&D, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ họ tái cơ cấu hoạt động tài chính quốc tế nhằm tuân thủ các quy định thuế mới một cách hiệu quả”, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam bày tỏ.
Theo bà Hương Vũ, không có một biện pháp nào là “liều thuốc trị bách bệnh”, nhưng hỗ trợ bằng tiền mặt một lần có sức thuyết phục cao hơn, mà tổng chi phí lại thấp hơn nhiều so với miễn giảm thuế thu nhập trong vòng nhiều năm. Biện pháp này có thể được áp dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính chiến lược với Việt Nam, như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư khác…
Theo báo cáo vừa được đưa ra tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số, diễn ra cuối tuần qua, các sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023. Con số của 6 tháng năm 2024 là 64,9 tỷ USD, tăng 23%. Đây chính là kết quả của việc thời gian gần đây, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam nâng “chất” nền kinh tế. Nhưng để không “bỏ lỡ” cuộc chơi, không chỉ cần áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, cạnh tranh quốc tế, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam (như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…); từ đó thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
“Chúng tôi đang hoàn thiện để trình Chính phủ Đề án Phát triển nhân lực bán dẫn đến năm 2030, để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.