Masan Consumer (MCH): Từ gia vị truyền thống đến đế chế hàng tiêu dùng đa dạng

03/11/2024 - 02:59
(Bankviet.com) Masan Consumer (MCH) đang đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai gần, với kế hoạch phát triển mạnh mẽ và chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, công ty tập trung vào việc đổi mới và tối ưu hóa kênh phân phối để gia tăng thị phần.

Bóc tách các mảng kinh doanh của MCH

Trong báo cáo tài chính mới nhất, Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 22 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi mảng thực phẩm tiện lợi và đồ uống, với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 13% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Ngành hàng gia vị cũng ghi nhận sự ổn định với mức tăng 7% trong 9 tháng.

Đặc biệt, doanh thu từ 125 dòng sản phẩm mới ra mắt trong năm qua - tăng 47% so với cùng kỳ, chiếm 7% tổng doanh thu của MCH. Ban lãnh đạo công ty dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ tiếp tục duy trì ở mức hai chữ số trong quý 4/2024 và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2024.

Masan Consumer (MCH): Từ gia vị truyền thống đến đế chế hàng tiêu dùng đa dạng
Doanh thu 9 tháng đầu năm từ các sản phẩm đổi mới - bao gồm 125 dòng sản phẩm mới ra mắt trong năm qua - tăng 47% so với cùng kỳ

Theo Chứng khoán Vietcap, về mảng thực phẩm tiện lợi, doanh thu tăng 11% trong quý 3 và 13% trong 9 tháng, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu Omachi, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, với mức tăng 24% trong quý 3 và 18% trong 9 tháng. Omachi đã tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng cơ cấu sản phẩm khi chiếm 47% doanh số của mảng này trong 9 tháng đầu năm và 49% trong quý 3.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện 420 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 42% trong 9 tháng, nhờ tăng trưởng sản lượng vượt trội của thương hiệu Omachi, cũng như biên lợi nhuận gộp được cải thiện của thương hiệu Kokomi.

Về mảng đồ uống, doanh thu tăng 19% trong quý 3 và 18% trong 9 tháng đầu năm, được thúc đẩy bởi việc mở rộng cơ sở khách hàng cho Wake Up 247 (từ khách hàng lao động phổ thông sang phân khúc người trẻ và nhân viên văn phòng) và sự đóng góp ngày càng tăng của sản phẩm trà đóng chai mới (10% doanh số của mảng đồ uống trong quý 3).

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm trong 9 tháng do chi phí nguyên vật liệu cho Wake Up 247 cao hơn và chi phí đầu tư ban đầu cho sản phẩm trà đóng chai mới.

Đối với mảng gia vị, doanh thu tăng 7% trong cả quý 3 và trong 9 tháng đầu năm. Trong quý 3, tăng trưởng của ngành hàng gia vị chậm lại khi các sản phẩm chủ lực như nước mắm và tương ớt tăng trưởng chậm hơn, chủ yếu do tác động ngắn hạn của việc giảm khuyến mại. Cùng với đó, MCH đã giảm khuyến mại tại các kênh phân phối và chuyển chi phí đó sang: (1) các nhà bán lẻ quy mô nhỏ nhưng bản sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, (2) thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm mới và (3) kênh tiêu thụ tại chỗ, mà ban lãnh đạo tin rằng sẽ có lợi cho tăng trưởng dài hạn.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp tăng 110 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 54% trong 9 tháng, nhờ chiến lược cao cấp hóa.

Đối với các mảng khác như chăm sóc gia đình và cá nhân, nước giặt Chanté tăng trưởng 58% so với cùng kỳ trong 9 tháng, chiếm 79% doanh số của mảng này. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. Sản phẩm cà phê Wake-up 247 cũng ngày càng trở nên phổ biến tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù chi phí nguyên liệu đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.

Masan Consumer (MCH): Từ gia vị truyền thống đến đế chế hàng tiêu dùng đa dạng
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Masan Consumer (MCH)

Động lực tăng trưởng chính đến từ chiến lược cao cấp hóa và sản phẩm mới là

Masan Consumer (MCH) đang đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai gần, với kế hoạch phát triển mạnh mẽ và chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, công ty tập trung vào việc đổi mới và tối ưu hóa kênh phân phối để gia tăng thị phần.

Một trong những chiến lược chính của MCH là nâng cấp danh mục sản phẩm của công ty lên các sản phẩm chất lượng cao hơn, khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm cao cấp hơn, qua đó nâng cao giá trị và thương hiệu.

MCH đang chuyển hướng từ các chương trình khuyến mại thương mại sang phát triển kênh bán hàng. Công ty tăng cường mạng lưới cửa hàng quy mô nhỏ, mở rộng thương mại điện tử, và gia tăng sự hiện diện tại nông thôn. Ngoài ra, MCH cũng tập trung vào khả năng hiển thị tại các điểm tiêu thụ trực tiếp như nhà hàng và ki-ốt, nhằm tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đổi mới sản phẩm là một trong những ưu tiên hàng đầu của MCH. Công ty cam kết ra mắt các sản phẩm sáng tạo trong các ngành hàng thực phẩm tiện lợi, gia vị và đồ uống, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, MCH đã thâm nhập vào các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu. Công ty tập trung vào việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, mở rộng tầm ảnh hưởng và thị phần toàn cầu.

Với những ngành hàng mà MCH đang chiếm ưu thế về thị phần, chẳng hạn như nước mắm (70%), Vietcap Research cho răng MCH sẽ tập trung vào việc nâng cao giá trị sản phẩm để đạt được mức tăng trưởng doanh thu tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong các phân khúc gia vị khác, như hạt nêm và tương ớt, cũng như trong ngàng hàng thực phẩm tiện lợi, ngành hàng mà MCH chưa phải là công ty dẫn đầu thị trường, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số ở mức hai chữ số bằng cách đẩy mạnh đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.

Đối với ngành hàng nước tăng lực, cà phê và trà, MCH cũng sẽ tập trung vào đổi mới, đặc biệt là phát triển công nghệ mới để cải thiện hương vị sản phẩm.

Đối với ngành hàng chăm sóc nhà cửa và cá nhân, chiến lược của MCH là tối ưu hóa kênh phân phối và giá bán để tăng cường thị phần.

Phó tổng giám đốc Masan: “Chúng tôi xây dựng nền tảng để phục vụ người tiêu dùng”

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Michael Hung Nguyen – Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan đã chia sẻ về chiến lược xây ...

Tập đoàn T&T: Hành trình hơn 30 năm xây dựng đế chế kinh tế đa ngành của Bầu Hiển

Tập đoàn T&T, dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, đã xây dựng thành công một đế chế kinh tế đa ngành ...

Khám phá hành trình tạo dựng 'đế chế' Thái Hương của vị 'cá mập' mới nổi

Tập đoàn Thái Hương, nổi tiếng với thương hiệu mỹ phẩm Linh Hương, đã phát triển nhanh chóng từ năm 2015 nhưng các con số ...

Phương Nguyễn

Phương Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán