May Đức Giang lên kế hoạch kinh doanh giữa triển vọng tươi sáng của ngành

03/01/2025 - 23:11
(Bankviet.com) May Đức Giang đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 29 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 21% so với năm 2024. Công ty sẽ tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI, và phát triển nguyên liệu xanh để đảm bảo tăng trưởng bền vững, đáp ứng cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Đức Giang – CTCP (May Đức Giang, UPCoM: MGG) vừa thông qua báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 2024, với tổng doanh thu ước đạt 2.396 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023, thực hiện được 99% kế hoạch năm. Lãi trước thuế tăng 26% lên 24 tỷ đồng, vượt 20% mục tiêu lợi nhuận năm.

May Đức Giang lên kế hoạch kinh doanh giữa triển vọng tươi sáng của ngành
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) góp ý Công ty đang triển khai tốt công tác thị trường nhưng tổ chức sản xuất chưa tốt, dẫn tới hiệu quả chưa cao

Năm 2025, Công ty lên kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 2.712 tỷ đồng và lãi trước thuế 29 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 21% so với ước thực hiện 2024. Trong nghị quyết được HĐQT thông qua, những giải pháp chiến lược trọng tâm cho năm 2025 đã được đặt ra nhằm tăng cường hiệu quả và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Trước tiên, công ty nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy quản trị để thích ứng với bối cảnh kinh tế mới. Việc tinh giản biên chế và tối ưu hóa bộ máy điều hành sẽ giúp giảm chi phí đầu mối, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Đặc biệt, May Đức Giang cam kết đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách thức vận hành và quản trị doanh nghiệp.

Song song đó, công ty đặt mục tiêu đảm bảo năng lực sản xuất đáp ứng cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa. Vai trò của Trung tâm Sourcing sẽ được nâng cao, trở thành đầu mối chính trong việc phát triển và định hướng nguồn cung nguyên phụ liệu (NPL) cho toàn hệ thống. Ngoài ra, May Đức Giang cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguyên liệu xanh và thúc đẩy sản xuất tuần hoàn để đáp ứng các xu hướng bền vững trên thị trường quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngày 30/12, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) góp ý, nếu thế mạnh của May Đức Giang là sự đa dạng về thị trường và nhóm mặt hàng thì hạn chế là chưa có sự chuyên sâu về một mặt hàng nào. Công ty đang triển khai tốt công tác thị trường nhưng tổ chức sản xuất chưa tốt, dẫn tới hiệu quả chưa cao.

Tiếp thu ý kiến, ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch HĐQT May Đức Giang đưa ra định hướng năm 2025, với mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 10%, đạt 88-90 triệu USD; lợi nhuận tăng 20-25%, đạt 28-30 tỷ đồng, tăng trưởng quay về mức trước COVID; Kinh doanh nội địa tăng 25-30%, trong đó kinh doanh thời trang tăng 45-50%, đóng góp 30% trong tổng doanh thu; cải thiện hiệu quả, phấn đấu không còn đơn vị lỗ.

MGG tiền thân là Công ty May Đức Giang trực thuộc Vinatex, hoạt động chính xuất khẩu, gia công các sản phẩm may và kinh doanh thương mại. Vốn điều lệ hiện gần 90 tỷ đồng, trong đó Vinatex đang sở hữu hơn 35% vốn và ghi nhận là công ty liên kết.

Triển vọng ngành dệt may

Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước triển vọng sáng trong năm 2025, bất chấp những thách thức tiềm ẩn từ chính sách thuế của Mỹ. Với hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may phụ thuộc vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp trong ngành luôn nhạy cảm với những thay đổi về thuế quan. Tuy nhiên, theo nhận định từ Công ty Chứng khoán SSI, mức thuế dự kiến áp cho Việt Nam (khoảng 10-20%) được đánh giá sẽ thấp hơn Trung Quốc, nhờ lợi thế trong tái định vị chuỗi cung ứng và chi phí cạnh tranh.

Theo dữ liệu từ OTEXA, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu quần áo lớn thứ hai vào Mỹ sau Trung Quốc. Sự chuyển dịch nhập khẩu của Mỹ khỏi Trung Quốc đã diễn ra nhanh chóng từ năm 2010 và tăng tốc mạnh trong giai đoạn 2019-2023, với thị phần của Trung Quốc giảm 13%. Trong bối cảnh này, Việt Nam, cùng với Ấn Độ và Bangladesh, nổi lên như những nguồn cung cấp thay thế quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá cao hơn nhờ chi phí lao động thấp (chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc), tốc độ ra thị trường nhanh và tay nghề lao động cao.

Trong khi đó, Ấn Độ và Bangladesh đang đối mặt với những bất lợi lớn. Ấn Độ có tỷ lệ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn cao nhất trong năm 2023, còn Bangladesh chịu gián đoạn chính trị nghiêm trọng, dẫn đến việc phải chuyển gần 40% đơn hàng ra khỏi nước này trong nửa cuối năm 2024. Điều này tạo cơ hội để Việt Nam vươn lên dẫn đầu xuất khẩu may mặc vào năm 2025.

Nhóm phân tích SSI cũng cho biết các công ty dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến hết quý I/2025, nhờ vào việc các thương hiệu lớn đặt hàng sớm để tránh rủi ro về thuế. Cùng với xu hướng tái định vị chuỗi cung ứng, triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam được đánh giá tích cực trong trung và dài hạn.

SMC đặt chỉ tiêu lợi nhuận thận trọng trong năm 2025

Thép SMC lên kế hoạch năm 2025 với sản lượng tiêu thụ 620.000 tấn và lợi nhuận sau thuế dự kiến 30 tỷ đồng, giảm ...

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 hoàn toàn khả thi

Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam dự kiến đón nhận khoảng 2,5 triệu tỷ đồng thông qua tăng trưởng tín dụng, với mục tiêu ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán