Đổ thừa dầu nhớt ô tô sẽ xảy ra chuyện gì? Trung Quốc: Hãng ô tô ra mắt điện thoại thông minh dành riêng cho ô tô Ô tô bị mất lái, xử lý sao cho an toàn? |
Thời gian cần vệ sinh ô tô sẽ phụ thuộc vào tần suất sử dụng, điều kiện lái xe, cung đường phải di chuyển… Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này khuyến nghị nên vệ sinh định kỳ 3 tháng/lần. Việc vệ sinh này vô cùng cần thiết. Không chỉ làm sạch không gian bên trong xe, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng mà giúp loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc, mùi hôi và “tút tát lại” vẻ đẹp ban đầu của chiếc xe – người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường.
Thời gian vệ sinh ô tô phụ thuộc nhiều yếu tố. Ảnh minh họa |
Dụng cụ cần chuẩn bị
- Bàn chải lông mềm
- Máy hút bụi cầm tay
- Chất tẩy rửa chuyên dụng
- Nước sạch
- Khăn mềm, miếng bọt biển
Các bước vệ sinh
Hướng dẫn chi tiết về việc vệ sinh ô tô tại nhà |
- Bước 1: Thu dọn rác và các phụ kiện không cần thiết
Đầu tiên, chủ xe cần thu dọn tất cả rác trong xe ô tô (trên sàn, cửa, túi ghế, đệm ghế, khay đựng cốc). Ngoài ra, bạn cần tháo những món phụ kiện trang trí trong xe như: tượng, đồ chơi, nước hoa để quá trình vệ sinh thuận tiện, nhanh chóng.
- Bước 2: Tháo và làm sạch thảm
Thảm trải sàn là một trong những món đồ dễ bám bẩn nhất và việc vệ sinh thảm lót vô cùng cần thiết. Các tấm thảm để chân cần được tháo rời, hút bụi và đặt tại khu vực sạch sẽ.
Tiếp theo, nhúng bàn chải vào chất tẩy rửa chuyên dụng cho thảm rồi cọ sạch bề mặt, rửa sạch và để khô trước khi lắp trở lại khoang cabin.
- Bước 3: Làm sạch sàn
Chủ xe có thể sử dụng máy hút bụi ô tô để làm sạch khu vực để chân nơi ghế lái và vị trí người ngồi. Nếu có chất bẩn bám trên sàn, hãy sử dụng dung dịch tẩy rửa và làm theo hướng dẫn sử dụng.
- Bước 4: Làm sạch cửa sổ và gương
Hãy sử dụng một chiếc khăn mềm thấm một chút dung dịch tẩy rửa để lau sạch bụi bẩn trên cửa sổ, gương. Đối với các khe cửa nhỏ, người dùng hãy sử dụng máy hút bụi để loại bỏ bụi bẩn.
- Bước 5: Làm sạch khu vực điều khiển trung tâm
Nếu ngăn đựng cốc có thể tháo rời, hãy ngâm vào nước ấm rồi dùng miếng bọt biển cọ rửa bằng nước rửa bát. Sau đó, rửa lại với nước sạch và phơi khô, để ráo nước.
Riêng với cần số, bảng taplo, cổng kết nối, cửa gió điều hòa, hãy sử dụng máy hút bụi và chổi lông mềm (phù hợp các khu vực ngách hẹp) để loại bỏ bụi bẩn.
- Bước 6: Làm sạch vô lăng
Để loại bỏ sự tích tụ của bụi bẩn, vi khuẩn bám vào vô lăng, chủ xe cần sử dụng khăn lau có chứa dung dịch khử trùng rồi lau khô bằng vải sợi nhỏ, mềm.
- Bước 7: Vệ sinh ghế ngồi
Ghế xe gồm hai lớp là lớp da (hoặc lớp nỉ) bên ngoài và lớp mút bên trong. Đặc biệt, lớp mút bên trong rất dễ hút ẩm, bám bẩn và dễ có mùi, từ đó sinh ra vi khuẩn, nấm mốc. Khi vệ sinh bộ phận này cần hết sức lưu ý và áp dụng đúng phương pháp để đảm bảo độ bền và không gây mùi khó chịu cho người ngồi trên xe.
Với các ghế chất liệu ghế bằng da, chủ xe có thể sử dụng máy hút bụi để loại bỏ bụi bẩn trên những đường khâu và khu vực tiếp giáp giữa lưng với mặt đệm. Sau đó, tiến hành lau bằng chất tẩy rửa chuyên dụng cho chất liệu da. Có thể sử dụng chất dưỡng da để phục hồi độ mềm mại và sáng bóng cho ghế xe.
Với các ghế chất liệu vải nỉ, người dùng chỉ nên sử dụng máy hút bụi để vệ sinh ghế nỉ.
- Bước 8: Cuối cùng, hãy lắp đặt thảm trải sàn và các vật dụng đã tháo rời về vị trí ban đầu
Để việc vệ sinh tiết kiệm thời gian, công sức hay tránh các mùi khó chịu trên xe thì bạn cần hạn chế ăn uống (đặc biệt các đồ có mùi), để đồ ăn rơi vãi trên xe. Việc chuẩn bị các dụng cụ và tiến hành vệ sinh xe không hề khó, bạn có thể mua rồi tự thực hiện mà không cần sự trợ giúp từ các gara ô tô. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc vệ sinh ô tô tại nhà định kỳ.