Miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030: Cánh tay tài khóa hỗ trợ tam nông

13/05/2025 - 21:16
(Bankviet.com) Dự thảo nghị quyết kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 được trình Quốc hội sáng 13/5 nhằm tiếp tục hỗ trợ tam nông, tái cơ cấu nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu Sớm thể chế ưu đãi thuế theo tinh thần Nghị quyết 68

Tiếp tục chính sách ổn định, thúc đẩy tích tụ đất đai

Tại phiên họp sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại các Nghị quyết số 55/2010/QH12, số 28/2016/QH14 và số 107/2020/QH14 đến hết ngày 31/12/2030.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc tiếp tục miễn thuế nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục hỗ trợ khu vực tam nông thông qua công cụ tài khóa trực tiếp, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế và định hướng hiện đại hóa nông nghiệp.

Theo báo cáo, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện từ năm 2001 đến nay, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tổng số thuế được miễn, giảm trong giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Tác động của chính sách này không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, mà còn khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn.

Miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030: Cánh tay tài khóa hỗ trợ tam nông
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: VPQH

Bộ Tài chính đánh giá, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tới là cần thiết. Chính sách này góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.

Cần tổng kết toàn diện và tránh lãng phí đất

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ một số vấn đề cần làm rõ để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của chính sách này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi nhấn mạnh, qua hơn 30 năm thực hiện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và gần 25 năm thực hiện chính sách miễn thuế, các thành phần kinh tế đã quen với việc không phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc tiếp tục miễn thuế có thể duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu không đi kèm cơ chế kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích.

Chủ nhiệm Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách miễn thuế đất nông nghiệp một cách toàn diện, nhất là các vấn đề liên quan đến hiệu quả sử dụng đất, tình trạng bỏ hoang đất canh tác, tích tụ ruộng đất và khả năng khơi thông nguồn lực đất đai trong phát triển nông nghiệp hiện đại.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc không áp dụng miễn thuế đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích, tránh tạo cơ chế ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả.

Hướng tới chính sách khuyến khích có kiểm soát

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Tài chính cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa đưa ra được chính sách mới mang tính cải cách thực chất mà chỉ tiếp tục kéo dài cơ chế cũ. Trong khi đó, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí và thúc đẩy tích tụ đất đai đang đặt ra rất cấp bách.

Miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030: Cánh tay tài khóa hỗ trợ tam nông
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi, cần nghiên cứu xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như một công cụ có điều kiện, được áp dụng tùy theo mức độ sử dụng hiệu quả đất đai. Việc rà soát các diện tích đất bỏ hoang, không sản xuất hoặc cho thuê lại trái quy định là cơ sở để điều chỉnh chính sách miễn giảm, tránh tình trạng hỗ trợ sai đối tượng và làm méo mó chính sách phát triển nông nghiệp.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, bởi việc tiếp tục ban hành nghị quyết miễn thuế nằm ngoài phạm vi luật hiện hành là biện pháp tình thế, thiếu tính bền vững. Việc xây dựng chính sách mới cần được tích hợp trong một khung pháp lý thống nhất, ổn định, tạo điều kiện cho quản lý nhà nước minh bạch và hiệu quả hơn.

Dự thảo nghị quyết kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 là bước đi tiếp nối chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ phát triển tam nông. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả cao nhất, cần được gắn với các tiêu chí sử dụng đất hợp lý, tích tụ đất đai có định hướng và thực hiện giám sát chặt chẽ nhằm tránh lãng phí nguồn lực quốc gia.

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp qua các thời kỳ:

Giai đoạn 2001 - 2010: Miễn khoảng 3.268 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011 - 2016: Miễn khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020: Miễn khoảng 7.438 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023: miễn trung bình 7.500 tỷ đồng/năm.

Dự kiến nếu tiếp tục miễn thuế đến năm 2030, ngân sách nhà nước không bị hụt thu do chính sách này đã được thực hiện liên tục từ năm 2001 đến nay.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương