Hà Giang: Phát triển các loài cây dược liệu theo hướng hàng hóa Kon Tum: Tiềm năng sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm dược liệu từ Sâm Hà Nam: Mở lối phát triển nấm linh chi dược liệu |
Sáng 13/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có bổ sung quy định chi tiết về nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần chú trọng đến vai trò cộng đồng, giữ dân mới giữ được rừng, người dân phải có sinh kế, cuộc sống ổn định từ chính sách nuôi, trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị định cần tập trung quy định chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và áp dụng chính sách khác nhau ở những khu vực địa bàn khác nhau về điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng.
Trong đó, vùng đệm ở khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải quy định chi tiết loại cây dược liệu được trồng, phương thức canh tác...; vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt phải kiểm soát hạn ngạch thu hoạch, khai thác cây dược liệu phát triển tự nhiên.
Về một số cơ chế, chính sách cụ thể, Nghị định phải thiết kế cơ chế khuyến khích, ưu đãi về máy móc, thiết bị, khoa học - công nghệ, tín dụng, đất đai xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến… cho doanh nghiệp tổ chức liên kết với người dân trong nuôi, trồng phát triển các vùng dược liệu quy mô lớn. Qua đó, tạo ra được các chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu mang thương hiệu của địa phương, quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu.
"Nghị định cần chú trọng đến vai trò cộng đồng, giữ dân mới giữ được rừng; người dân phải có sinh kế, cuộc sống ổn định từ chính sách nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trình tự hồ sơ, thủ tục hành chính rõ đối tượng, cách làm để địa phương thực hiện theo thẩm quyền được phân cấp, phân quyền mà không cần phải ban hành thêm văn bản; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý hậu kiểm thay cho tiền kiểm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp xác đáng, từ thực tiễn của các địa phương để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về phạm vi, nội hàm, mục tiêu, nhằm tạo không gian pháp lý kiến tạo cho hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, đa mục đích đất rừng, tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các Bộ Tài chính, Y tế, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bảo hiểm đối với hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, xem xét bổ sung nhiệm vụ cho các quỹ liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ người nuôi, trồng phát triển cây dược liệu; xây dựng chỉ dẫn địa lý, bản đồ vùng dược liệu, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Nghị định sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; tháo gỡ một số khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Đề án phát triển đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. |