Mỏ vàng lợi nhuận của PVS gọi tên FPSO Ruby II, FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B được đầu tư khủng

04/12/2024 - 00:04
(Bankviet.com) FPSO Ruby II tiếp tục là động lực lợi nhuận quan trọng cho Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) khi có tiềm năng gia hạn hợp đồng thuê đến năm 2029. Bên cạnh đó, hai dự án FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B đang thu hút kỳ vọng lớn với tổng đầu tư 400 triệu USD, hứa hẹn tăng trưởng bền vững từ năm 2027.

FPSO Ruby II là kho nổi đóng góp lợi nhuận chính cho PVS

FPSO Ruby II là một trong những tài sản chiến lược của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Trong giai đoạn 2019-2023, giá thuê ngày của FPSO này được duy trì ở mức 92.500 USD và PVS tiếp tục thành công trong việc gia hạn hợp đồng đến cuối năm 2024 với mức giá thuê không thay đổi, 92.500 USD/ngày.

Mỏ vàng lợi nhuận của PVS gọi tên FPSO Ruby II, FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B  được đầu tư khủng
Tổng hợp hợp đồng thuê FSO/FPSO. Nguồn Chứng khoán Vietcap
FSO (Floating Storage and Offloading) và FPSO (Floating Production, Storage and Offloading) là hai loại tàu nổi quan trọng trong ngành dầu khí ngoài khơi. FSO chủ yếu dùng để lưu trữ và xuất dầu thô hoặc khí đốt từ các mỏ dầu dưới biển. Loại tàu này không có hệ thống xử lý sản phẩm và chi phí thấp hơn, thích hợp cho các mỏ dầu đơn giản. Ngược lại, FPSO không chỉ lưu trữ và xuất dầu mà còn tích hợp hệ thống sản xuất và xử lý dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên. Điều này giúp FPSO vận hành độc lập, phù hợp với các mỏ dầu lớn hoặc phức tạp xa đất liền, dù chi phí thiết kế và vận hành cao hơn.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) vào tháng 6/2024, PVS tiết lộ công ty đang tích cực đàm phán để ký hợp đồng mới với thời hạn từ 3 đến 5 năm. Theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, hợp đồng mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng mức giá thuê ngày 92.500 USD, ít nhất trong giai đoạn 2025-2029.

Mức giá này không chỉ phản ánh sự ổn định trong việc vận hành và khai thác của FPSO Ruby II mà còn đảm bảo nguồn thu ổn định cho PVS trong bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí còn nhiều biến động. Do đó, các dự báo tài chính của Vietcap vẫn duy trì giả định giá thuê ngày của FPSO Ruby II trong giai đoạn 2025-2029 ở mức 92.500 USD/ngày, tạo nền tảng cho triển vọng tích cực của PVS trong dài hạn.

Theo đó, FPSO Ruby II sẽ đóng góp trung bình 25,9%/năm vào LNST sau lợi ích CĐTS của PVS trong giai đoạn 2024-2028. Ngoài ra, theo PVS, nếu FPSO Ruby II có thể ký được hợp đồng mới dài hạn thì công ty có thể chuyển từ thuê vận hành sang thuê tài chính, dẫn đến việc PVS có khả năng sẽ ghi nhận thêm khoản lợi nhuận bất thường.

FPSO Lam Sơn mang lại tiềm năng tăng trưởng, FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B được đầu tư khủng

Ngày 16/3/2020, PVS đã thông báo gia hạn hợp đồng thuê với FPSO Lam Sơn thời hạn 4 năm, áp dụng từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2021, cùng khả năng gia hạn đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, hợp đồng này bao gồm 1 điều kiện rằng cả 2 bên có thể chấm dứt hợp đồng với thời hạn thông báo trước 90 ngày, điều này tương ứng với rủi ro chấm dứt hợp đồng nếu giá dầu giảm xuống mức thấp.

Đáng chú ý, PVS đã ghi nhận mức chi phí khấu hao cao vượt mức là khoảng 300 tỷ đồng vào năm 2020 và khoảng 200 tỷ đồng vào năm 2021 do công ty tính đến rủi ro chấm dứt hợp đồng nếu hợp đồng dài hạn không được hoàn tất.

Tại ĐHCĐ năm 2024, PVS cho biết hợp đồng FPSO Lam Sơn sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và sau đó sẽ tiếp tục được gia hạn. PVS có kế hoạch tiếp tục cho thuê FPSO này trên cơ sở đàm phán dài hạn trong 1 năm. Dựa trên phân tích từ VCI Research, mức giá thuê ngày cho FPSO Lam Sơn có thể giữ ổn định ở mức 50.000 USD/ngày, nhờ vào triển vọng tích cực từ hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trong bối cảnh giá dầu Brent được dự báo dao động từ 75-83 USD/thùng.

VCI Research kỳ vọng hợp đồng đối với FPSO Lam Sơn sẽ được gia hạn ít nhất là đến cuối năm 2025 và ước tính FPSO Lam Sơn sẽ đóng góp trung bình 3,2%/năm vào LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-2028 của PVS.

Mỏ vàng lợi nhuận của PVS gọi tên FPSO Ruby II, FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B  được đầu tư khủng
PVS có kế hoạch tiếp tục cho thuê FPSO Lam Sơn trên cơ sở đàm phán dài hạn trong 1 năm.

Bên cạnh đó, PVS đã công bố kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2024-2030, với tổng vốn đầu tư lên đến 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD). Khoản đầu tư này dành cho hai dự án nổi bật: FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B, với mỗi dự án dự kiến chi phí khoảng 200 triệu USD.

Quyết định đầu tư lớn vào hai dự án FSO này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của PVS vào khả năng thắng thầu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các tàu chứa dầu khí đang gia tăng để phục vụ các dự án khai thác mới. Theo VCI Research, mức giá thuê ngày của hai FSO này có thể đạt khoảng 100.000 USD, tạo nền tảng doanh thu vững chắc cho PVS trong dài hạn.

Kỳ vọng về lợi nhuận từ hai dự án này được xây dựng dựa trên tiến độ khai thác của các đối tác. Cụ thể, Murphy Oil dự kiến bắt đầu khai thác dầu từ FSO Lạc Đà Vàng vào nửa cuối năm 2026, trong khi FSO Lô B sẽ đi vào khai thác khí từ năm 2027. Do đó, đóng góp vào lợi nhuận của PVS từ hai dự án này được kỳ vọng sẽ bắt đầu từ năm 2027 trở đi, mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2027-2030.

Tiến Nam

Tiến Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán