Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 13/8/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5971/BCT-ĐB gửi các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và viện trường của 63 tỉnh, thành phố để thông báo về việc tổ chức các lớp đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới năm 2024, bao gồm các chương trình đào tạo khóa cơ bản và khóa chuyên sâu.
Các chương trình đào tạo này được xây dựng trên cơ sở kết quả nhu cầu đào tạo mà Bộ Công Thương đã khảo sát các địa phương các hiệp hội, doanh nghiệp và viện trường của 63 tỉnh, thành phố tại Văn bản số 1176/BCT-ĐB ngày 27/2/2024.
Khóa đào tạo được tổ chức hoàn toàn miễn phí theo hình thức trực tiếp và được hướng dẫn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đàm phán và thực thi các FTA. Ảnh minh họa |
Theo đó, nhằm tập trung cập nhật đầy đủ và kịp thời các định hướng, chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc đàm phán và thực thi các FTA của Việt Nam nói chung (bao gồm các FTA thế hệ mới và các FTA mới được ký kết) và các cam kết, quy định, tình huống thực tế và cách thức xử lý các vướng mắc phát sinh thường gặp liên quan tới việc thực thi các FTA, Bộ Công Thương sẽ tổ chức 3 khóa đào tạo.
Thứ nhất, tổ chức đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản) cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng;
Thứ hai, tổ chức đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định UKVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản) cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng;
Thứ ba, tổ chức đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới, khóa chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, khóa đào tạo được tổ chức hoàn toàn miễn phí theo hình thức trực tiếp và được hướng dẫn bởi các chuyên gia trực tiếp đàm phán hoặc quản lý trong lĩnh vực đàm phán và thực thi các FTA nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng. Bài giảng được thiết kế theo hình thức lý thuyết kết hợp với các bài học tình huống thực tế liên quan tới các vấn đề vướng mắc thường gặp và có liên hệ với các ngành hàng cụ thể tại các địa phương nơi tổ chức khóa đào tạo.
Các khóa đào tạo cơ bản sẽ tập trung vào các chủ đề sau: Sở hữu trí tuệ, Phòng vệ thương mại, Xúc tiến thương mại và Lao động. Các khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại hàng hóa sẽ bao gồm các nội dung: Thuế và các biện pháp phi thuế, Phòng vệ thương mại, Quy tắc xuất xứ và Hải quan.