Một cổ phiếu sàn UPCoM bật tăng 100% kể từ đầu năm, vốn hóa vượt mặt loạt “ông lớn” VPB, FPT, VNM,...

04/04/2024 - 14:24
(Bankviet.com) Kết phiên 3/4, sau khi cổ phiếu tăng kịch biên độ, vốn hóa thị trường doanh nghiệp này vượt qua một loạt tên tuổi như: VPB, FPT, VNM,....

Đóng cửa phiên giao dịch 3/4, cổ phiếu VGI của Công ty CP Viettel Global tiếp tục chuỗi ngày thăng hoa của mình khi tăng kịch biên độ 14,84% lên vùng giá 53.400 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu này. So với thời điểm đầu năm, thị giá của VGI đã tăng 100%, đặc biệt 2 phiên gần nhất đã tăng gần 20%.

Một cổ phiếu sàn UPCoM bật tăng 100% kể từ đầu năm, vốn hóa vượt mặt loạt “ông lớn” VPB, FPT, VNM,...
Cổ phiếu VGI sau phiên đóng cửa 03/04

Với vùng giá cổ phiếu 53.400 đồng, vốn hóa thị trường của Viettel Global đã chạm mốc 162.539 tỷ đồng (tương đương 6,5 tỷ USD), tăng trưởng 84.000 tỷ đồng kể từ đầu năm. Sự phát triển vượt bậc này đã nâng vị thế Viettel Global vượt qua VPBank, đưa công ty này vào top 10 công ty có giá trị nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này có thể được cộng hưởng một phần do giảm giá trị cổ phiếu của VPBank xuống 1,02% sau phiên ngày 03/04. Mức vốn hóa của Viettel Global hiện nay cũng đã vượt qua một loạt các tên tuổi lớn như FPT, Tập đoàn Cao su Việt Nam, MB Bank, Vinamilk, ACB, và Thế giới Di động, Masan,...

Một cổ phiếu sàn UPCoM bật tăng 100% kể từ đầu năm, vốn hóa vượt mặt loạt “ông lớn” VPB, FPT, VNM,...
Top 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường sau phiên 3/4

Viettel Global hiện đang là một trong những nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp này hoạt động tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ, với tổng dân số hơn 200 triệu người. Trong số đó, công ty đứng đầu thị trường tại 6 quốc gia chính bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi... Đây là những thị trường đang phát triển và còn nhiều tiềm năng để mở rộng và phát triển kinh doanh.

Năm 2023, nhờ sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh giúp đẩy giá cổ phiếu VGI của Viettel Global tăng vọt trong đầu năm 2024. Đặc biệt, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đã vượt mốc 28.200 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022.

Tất cả 9 công ty thị trường của Viettel Global đều ghi nhận sự tăng trưởng, với 4 thị trường có tăng trưởng doanh thu trên 20%, bao gồm: Viettel Haiti (+36,2%), Viettel Mozambique (+28,2%), Viettel Myanmar (+20,2%) và Viettel Timor (+20,3%). Đáng chú ý, 6 thị trường của Viettel Global đã đứng đầu về thị phần.

Một cổ phiếu sàn UPCoM bật tăng 100% kể từ đầu năm, vốn hóa vượt mặt loạt “ông lớn” VPB, FPT, VNM,...
Danh sách các thương hiệu thuộc Viettel Global

Doanh thu từ dịch vụ ví điện tử đã tăng gần 90%, với sự tăng trưởng ấn tượng từ các công ty ví điện tử của Viettel Global tại các thị trường như E-Mola tại Mozambique (+505%), U-money tại Lào (+96%), Mosan tại Đông Timor (+94%). Số lượng thuê bao super app cũng tăng thêm gần 6 triệu. Đặc biệt, ứng dụng di động MyID của Mytel tại Myanmar đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất tại quốc gia này với gần 27 triệu người dùng.

Mặc dù có nhiều điều tích cực, nhưng do lỗ tỷ giá và một số khoản trích lập dự phòng lớn, Viettel Global báo cáo lợi nhuận giảm một nửa xuống còn 445 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cả năm vẫn đạt hơn 50%. Đáng chú ý, đây đã là năm thứ hai liên tiếp mà công ty này báo cáo lãi.

Cổ phiếu hệ sinh thái công nghệ đua nhau "vượt đỉnh"

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm công nghệ và viễn thông hiện chưa có vị thế nhất định trong số nhóm lớn có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường như ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản. Tuy nhiên, theo thống kê của SSI Research, nhờ sự dẫn dắt của Công ty CP FPT (HoSE: FPT), nhóm cổ phiếu này đã có mức tăng giá lên đến 41% trong năm 2023, vượt trội so với mức tăng của VN-Index.

Cả hai nhóm hệ sinh thái công nghệ nổi bật là FPT và Viettel đã có đà tăng mạnh trong năm vừa qua, với nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử. Trong nhóm Viettel, cổ phiếu VGI của Viettel Global, CTR của Công trình Viettel, VTP của Viettel Post và VTK của Tư vấn Thiết kế Viettel đã ghi nhận sự tăng trưởng từ 100% đến 200% tính từ cuối năm 2022 đến nay.

Trong khi đó, nhóm FPT với công ty mẹ cùng các đơn vị thành viên như FPT Retail (HoSE: FRT), FPT Telecom (UPCoM: FOX), FPT Securities (HoSE: FTS) cũng đã vượt đỉnh trong năm 2023 và đang tiếp tục tăng. FPT Retail và FPT Securities, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và chứng khoán, đều có mức tăng vượt trội. Cụ thể, cổ phiếu FTS đã tăng gấp 3,8 lần lên 63.900 đồng/cp và FRT tăng gấp 2,7 lần lên 148.400 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm công nghệ, viễn thông như FPT, FPT Telecom, Công trình Viettel, Viettel Global đều khả quan trong năm qua. SSI Research đánh giá triển vọng của nhóm này có khả năng tăng trưởng tốt trong năm nay.

Sau soát xét, Viettel Global (VGI) báo doanh thu gần nửa tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022

Tổng Công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, mã: VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ ...

Buồn của Viettel Global: Nợ xấu leo cao, cổ phiếu VGI bị kiểm soát

Do bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ tại báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp, cổ phiếu VGI của Viettel Global ...

"Ông trùm" thu phí không dừng VETC "độc chiếm" dự án tại Phú Thọ

Sau lần kêu gọi đầu tư đầu tiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ kéo dài thêm thời gian đăng ký tham gia ...

Đức Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán