Phiên sáng đầu tuần, nhóm cổ phiếu thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Bộ Công Thương công bố quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời lên tới 27,83% đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này được đánh giá là động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa, đặc biệt là Hòa Phát (HoSE: HPG), Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG) gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong số các doanh nghiệp được hưởng lợi, Hòa Phát là cái tên nổi bật nhất khi Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC/năm đã bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2025. Nhờ đó, ngay từ đầu phiên, cổ phiếu HPG bật tăng mạnh, có thời điểm áp sát mức giá trần. Tại thời điểm tạm dừng phiên sáng, HPG vẫn tăng mạnh 4,54% lên 27.650 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bùng nổ với hơn 61 triệu đơn vị – cao nhất trên toàn thị trường.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng việc áp thuế CBPG sẽ khiến thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với sản phẩm nội địa. Đây là yếu tố quan trọng giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong thời gian tới, đặc biệt khi dự án Dung Quất 2 sắp hoàn thành giai đoạn chạy thử trước khi chính thức đi vào vận hành.
Dự kiến, khi hoạt động hết công suất trong 2-3 năm tới, quy mô doanh thu của Hòa Phát có thể đạt 175.000-200.000 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận sau thuế ước tính từ 20.000-25.000 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp giá cổ phiếu HPG duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Trở lại với diễn biến thị trường phiên sáng nay, không chỉ HPG, nhóm cổ phiếu thép đồng loạt giao dịch tích cực trong phiên. Các mã NKG, HSG, GDA lần lượt tăng 2,49%, 1,99% và 1,24%, trong khi một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ như CBI, TVN, TLH, VCA cũng ghi nhận mức tăng từ 7-9%, thậm chí một số mã tăng trần.
![]() |
Không chỉ HPG, nhóm cổ phiếu thép đồng loạt giao dịch tích cực trong phiên sáng nay |
Theo dữ liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, năm 2024, lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam đạt 12,6 triệu tấn, tăng 33% so với năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu HRC trong nước hiện ở mức 13 triệu tấn/năm, nhưng tổng công suất sản xuất nội địa từ Hòa Phát và Formosa mới chỉ đạt 8,6 triệu tấn/năm, khiến thị trường Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc.
![]() | Đây là bước ngoặt giúp Thép Nam Kim (NKG) bứt phá từ năm 2026 VNDirect dự báo lợi nhuận Thép Nam Kim (NKG) giảm 21% năm 2025 do khó khăn xuất khẩu và pha loãng cổ phiếu, nhưng kỳ ... |
![]() | Giá thép hôm nay 12/2/2025: Giá thép giảm nhẹ sau quyết định tăng thuế của Mỹ Giá thép hôm nay tại Việt Nam dao động từ 13.600 - 14.340 đồng/kg. Trong khi đó, giá thép thế giới giảm nhẹ do tác ... |
![]() | Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng, Hòa Phát có lý do để "mừng thầm" Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá 19,38%-27,83% với thép cán nóng Trung Quốc, tạo lợi thế cho Hòa Phát (HPG). VCBS nâng ... |
Nguyên Nam