Một loại thực phẩm của Việt Nam vừa thu về 80 triệu USD kể từ đầu năm: 43 quốc gia ‘đặt gạch’ mua hàng, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới
Xuất khẩu mặt hàng này trong quý 1 đã tăng mạnh 31% so với cùng kỳ năm trước.
Một mặt hàng quan trọng của ngành thủy sản đang thu về mỗi năm từ 300 - 420 triệu USD (surimi cá biển và cá tra), chiếm 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam là mặt hàng chả cá và surimi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam sau khi sụt giảm trong tháng 1 đã tăng mạnh trong 2 tháng sau đó. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 80 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Chả cá và surimi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 43 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều tăng trưởng tốt. Các thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Hong Kong hay Nhật Bản đều tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, ngoài các thị trường truyền thống, các sản phẩm chả cá và surimi của Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thị trường mới ngay từ những tháng đầu năm như Nga, Tây Ban Nha, Anh…Đáng chú ý trong tháng 2 nhiều thị trường có mức tăng trưởng “phi mã” như Hàn Quốc tăng 135%, Thái Lan tăng 191%, Trung Quốc & HK tăng 105%,..
Năm 2024, tiêu thụ surimi của thị trường toàn cầu đạt 6,4 tỷ USD. Các chuyên gia đang dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2033. Các thị trường Surimi ở các quốc gia trọng điểm đang cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng thành công trong tương lai.
Trung Quốc được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường surimi vào năm 2033, với giá trị thị trường là 1,8 tỷ USD. Mặt khác, mặc dù Mỹ cũng đã đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường surimi, nhưng dự đoán rằng Mỹ sẽ có giá trị thị trường surimi thấp hơn Trung Quốc vào năm 2033. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò chính trên thị trường surimi do mức tiêu thụ hải sản surimi như cua giả hoặc thanh cua cao.
Giống như Mỹ, Ấn Độ cũng tham gia vào sự tăng trưởng của thị trường thông qua sản xuất hải sản surimi quy mô lớn. Điều này liên quan đến thị trường surimi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khác, nơi đã chiếm 63% thị phần vào năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục giữ vị thế thống trị trong những năm tới. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc áp dụng surimi đã thu hút được sự chú ý do số lượng siêu thị và đại siêu thị ngày càng tăng.
Là một phần của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã trở thành những nhân tố chủ chốt trên thị trường surimi toàn cầu, đóng góp tích cực vào việc tiêu thụ cũng như phát triển các sản phẩm surimi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ surimi và bột cá sẽ tăng trở lại. Đặc biệt, các món ăn chế biến từ surimi ngày càng phổ biến trong ẩm thực châu Á nhờ vào giá trị dinh dưỡng và sự đa dạng trong chế biến.
Tuy nhiên hiện tại sản lượng cá minh thái tại Nga và Mỹ đang tăng. Điều này dự kiến sẽ khiến cho cạnh tranh gia tăng tại các thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, đẩy giá nguyên liệu lên cao làm tăng giá thành sản phẩm, khiến cho các sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh… Cùng với đó, các vướng mắc trong việc cấp giấy S/C, giấy C/C phục vụ xuất khẩu thủy sản vẫn chưa được tháo gỡ. Hồ sơ tồn đọng khiến cho hoạt động sản xuất và XK của doanh nghiệp gặp khó.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến xuất khẩu.