Nguyên liệu tỷ đô từ Bangladesh đổ bộ Việt Nam tăng 1.700% kể từ đầu năm: Chi hơn 3 tỷ USD gom hàng, nước ta xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới
Việt Nam đã chi 3,45 tỷ USD để nhập khẩu loại nguyên liệu quan trọng này trong 3 tháng đầu năm.
Năm 2024, thị trường may mặc Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm nhờ dòng dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác. Việt Nam đang khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất may mặc hàng đầu, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy nhu cầu đối với nguyên liệu dệt may, vải may mặc là rất lớn để phục vụ hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2025 Việt Nam nhập khẩu vải may mặc đạt trên 3,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với 3 tháng đầu năm 2024.

Riêng trong tháng 3/2025, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng mạnh 30,2% so với tháng 2/2025.
Xét về thị trường, vải may mặc về nước ta được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2025 với trên 2,29 tỷ USD, tăng 12,9% so với 3 tháng đầu năm 2024, đồng thời chiếm 66,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Đài Loan (TQ) với hơn 402 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc với hơn 337 triệu USD kể từ đầu năm, tuy nhiên giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu vải từ các thị trường khác như châu Âu với kim ngạch 35,83 triệu USD. Nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á chiếm 3,5% trong tổng kim ngạch, đạt gần 120,13 triệu USD, tăng 4,8%.
Đáng chú ý, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu vải may mặc từ Bangladesh với mức tăng trưởng đứng đầu trong số các thị trường. Từ đầu năm đến nay, nước ta chi hơn 2 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Bangladesh, tăng mạnh 1.696% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh nhất tuy nhiên thị phần của nước này chỉ chiếm rất nhỏ, chưa đến 1%.
Năm 2024 vừa qua trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm..., tuy nhiên ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, ngành dệt may tranh thủ được một lượng đáng kể đơn hàng dịch chuyển về từ Bangladesh trong năm 2024, nhờ đó giúp ngành cán đích với doanh số 44 tỷ USD, tăng trưởng 11% và là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.Với mạng lưới doanh nghiệp rộng lớn, từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất đến may mặc, ngành dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động, tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Hải Phòng.
Lao động dồi dào: Với hơn 2,5 triệu lao động, ngành dệt may chiếm khoảng 25% lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 48 tỷ USD. Nhận định về triển vọng thị trường và xuất khẩu dệt may 2025, các chuyên gia cho rằng có nhiều tín hiệu lạc quan, khi thị trường nhập khẩu chính, như: Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn.
Đối với thị trường Mỹ, về chính sách thuế quan từ Tổng thống Donald Trump, Việt Nam có khả năng chịu thêm 10% thuế với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này. Việc Mỹ áp thêm thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh, trong đó có Việt Nam đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc nếu như tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong năm 2025, ngành dệt may vẫn gặp nhiều thách thức khi ít cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn, đơn giá không tăng, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi... Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025, như: tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng…