Thời gian gần đây, việc thí điểm triển khai Mobile Money cùng với kế hoạch sử dụng các cửa hàng tiện lợi Vinmart+ làm đại lý của Techcombank (và trước đó là việc các bưu cục của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trở thành đại lý cho Liên Việt Post Bank) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong và ngoài ngành đối với mô hình sử dụng các cơ sở bên ngoài làm đại lý cung cấp dịch vụ ngân hàng. Thực tế, mô hình này đã phát triển tại nhiều nước, đóng góp đáng kể vào quá trình phổ cập tài chính cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (The Consultative Group to Assist the Poor, viết tắt là CGAP) – có trụ sở tại Ngân hàng Thế giới – rất quan tâm tới mô hình ngân hàng không chi nhánh và việc phát triển các ngân hàng đại lý để đẩy mạnh công cuộc phổ cập tài chính, giúp người nghèo có khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Vì thế, CGAP đã có nhiều báo cáo phân tích về mô hình ngân hàng đại lý. Trong một báo cáo năm 2011, CGAP đã phân tích khá chi tiết về các vấn đề mà các cơ quan quản lý cần xem xét khi đưa ra những quy định về mô hình ngân hàng không chi nhánh và quản lý ngân hàng đại lý. Mặc dù đã có rất nhiều thay đổi về môi trường kinh doanh cũng như các công nghệ áp dụng nhưng báo cáo của CGAP vẫn có nhiều giá trị tham khảo. Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả các ngân hàng thương mại và các tổ chức khác đang dự định phát triển mạng lưới đại lý cung cấp dịch vụ tài chính cũng có thể xem xét để từ đó đánh giá lại và hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh doanh của mình.
Ai có thể làm ngân hàng đại lý?
Cơ quan quản lý muốn đảm bảo các đại lý có thể cung cấp dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, ghi chép giao dịch, xử lý tiền và quản lý khả năng thanh khoản. Vì thế, một trong những câu hỏi chính cơ quan quản lý phải trả lời là đối tượng nào có thể làm ngân hàng đại lý.
Nhiều nước cho phép nhiều loại tổ chức và cá nhân được phép làm đại lý cho ngân hàng. Các nước khác hạn chế bằng cách chỉ cho phép một số tổ chức được làm đại lý. Chẳng hạn như Ấn Độ cho phép một số tổ chức phi lợi nhuận, các bưu cục, chủ cửa hàng tạp hóa, giáo viên về hưu và gần đây là một số tổ chức vì lợi nhuận, kể cả các công ty thông tin di động (MNO). Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vi mô lớn nhất, đăng ký hoạt động như các công ty tài chính phi ngân hàng, lại không được phép làm ngân hàng đại lý. Kenya có cách tiếp cận khác, yêu cầu các đại lý phải là đối tượng hoạt động vì lợi nhuận và không cho phép các tổ chức phi lợi nhuận (như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức đào tạo và các tổ chức tín ngưỡng) làm ngân hàng đại lý. Một ví dụ khác, Brazil cho phép mọi tổ chức hợp pháp làm ngân hàng đại lý nhưng lại không cho phép các cá nhân tham gia.
Những cách tiếp cận khác nhau đó phản ánh những mối lo ngại khác nhau ở mỗi nước. Cơ quan quản lý ở Ấn Độ ban đầu không cho phép các tổ chức vì lợi nhuận làm ngân hàng đại lý do lo ngại họ có thể bóc lột những khách hàng nghèo. Ngược lại, cơ quan quản lý ở Kenya lại cho rằng việc làm đại lý cho ngân hàng sẽ khiến các tổ chức phi chính phủ xa rời nhiệm vụ xã hội của họ. Ở Brazil, cơ quan quản lý cảm thấy việc ngăn cá nhân làm ngân hàng đại lý sẽ giúp giảm bớt gian lận, thúc đẩy khả năng giám sát và nâng cao sự tin tưởng của người dùng, dù trên thực tế rất khó ngăn cản các cá nhân làm đại lý (thông qua các cách lách khác nhau).
Hiện nay, các cơ quan quản lý đang hướng tới việc nới lỏng yêu cầu đối với ngân hàng đại lý vì nhận ra rằng quy định quá chặt sẽ mâu thuẫn với định hướng phổ cập tài chính. Nhưng các quy định nới lỏng không đảm bảo sự thành công của mô hình ngân hàng đại lý. Chẳng hạn như nghị định năm 2006 của Colombia về ngân hàng đại lý cho phép bất kỳ pháp nhân nào, kể cả các quỹ tiết kiệm và hợp tác xã tín dụng, được là ngân hàng đại lý. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn khá chậm trong việc tìm kiếm đại lý, đến nay mới chỉ có hai ngân hàng Colombia có số đại lý đáng kể. Một số nước cũng hạn chế địa điểm của các đại lý, dù những hạn chế đó thường được nới lỏng khi cơ quan quản lý nhận thấy quy định này trở thành vật cản với phổ cập tài chính. Ví dụ như, vì lo ngại các đại lý có thể đe dọa các chi nhánh ngân hàng, ban đầu cơ quan quản lý Brazil chỉ cho phép đại lý hoạt động ở những vùng không có chi nhánh ngân hàng. Để hỗ trợ khả năng truy cập của người dùng với các khoản thanh toán của chính phủ, quy định này đã được gỡ bỏ năm 2000, cho phép mở rộng mạng lưới đại lý, thậm chí cả ở những nơi đã có chi nhánh ngân hàng. Ấn Độ thì yêu cầu các đại lý phải nằm trong bán kính 15 km kể từ “chi nhánh cơ sở” ở vùng nông thôn và trong bán kính 5 km ở vùng đô thị. Chính sách này nhằm đảm bảo sự giám sát đủ mức của ngân hàng đối với các đại lý, hạn chế việc sử dụng đại lý của các ngân hàng chỉ có một vài chi nhánh. Nhưng sau đó cơ quan quản lý đã phải nới rộng bán kính ra 30 km và các ngân hàng có thể xin phép cho các trường hợp ngoại lệ với các vùng dân cư không được phục vụ đủ do không thể đặt chi nhánh ngân hàng. Kinh nghiệm cho thấy các yêu cầu quá chặt về vị trí của đại lý có thể làm phức tạp thêm bài toán kinh doanh của mô hình ngân hàng đại lý và đi ngược lại định hướng phổ cập tài chính. Hơn nữa, bản chất thời gian thực của hầu hết các dịch vụ đại lý đã cho phép giám sát từ xa và do đó loại bỏ một trong những lý do chính của việc hạn chế vị trí của đại lý. Các quốc gia như Mexico dường như đã nhận ra bài học của các nước khác nên mặc dù ban đầu dự định đưa ra các hạn chế dựa trên vị trí nhưng sau đó đã quyết định loại bỏ điều này.
Các quy định của cơ quan quản lý thường bắt buộc các ngân hàng thực hiện một số yêu cầu kiểm tra đánh giá ban đầu đối với đại lý để đảm bảo ứng viên có uy tín, không có lịch sử phạm tội, không có lịch sử về khó khăn tài chính hay mất khả năng thanh toán. Các quy định kiểm tra này đôi khi vượt quá ngưỡng và đưa ra những yêu cầu như quốc tịch, học vấn, tuổi tối thiểu hay khả năng kỹ thuật/vận hành. Những yêu cầu này được coi là quan trọng để đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng, an ninh và độ tin cậy. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần lưu ý những yêu cầu này có thể vô tình tạo ra những gánh nặng chi phí cho mô hình kinh doanh mà họ điều chỉnh. Trong khi những tiêu chí đánh giá sự phù hợp của đại lý được nêu trong quy định thường không phải quá phức tạp nhưng các ngân hàng và đại lý đôi khi phản hồi rằng một số yêu cầu chi tiết có thể dẫn đến những chi phí đáng kể, nhất là cho việc thu thập tài liệu. Chẳng hạn như việc yêu cầu lịch sử tín dụng sạch có vẻ hợp lý nhưng rất nhiều nước không có hệ thống theo dõi lịch sử tín dụng và nếu có thì cũng không bao gồm thông tin về các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Ngay cả khi có hệ thống theo dõi lịch sử tín dụng thì việc lấy chứng nhận về lịch sử tín dụng cũng có thể tốn thời gian và tốn tiền, khiến những cửa hàng bán lẻ ở vùng sâu vùng xa khó hoạt động để phục vụ những người không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Các đại lý có thể đóng vai trò gì?
Các đại lý có thể thực hiện nhiều dịch vụ ngân hàng khác nhau, bao gồm mở tài khoản, thu tiền và phát tiền (kể cả giải ngân khoản vay đã được ngân hàng phê duyệt và thanh toán nợ vay), thanh toán và chuyển tiền (kể cả chuyển tiền ra nước ngoài và thanh toán P2P nội địa), thậm chí là cả thẩm định tín dụng. Tuy nhiên cơ quan quản lý thường thiết lập các hạn chế cho các đại lý vì lo ngại về độ tin cậy, an toàn và khả năng của các bên thứ ba. Một số nước thậm chí còn đang xem xét các danh mục dịch vụ khác nhau cho từng loại đại lý, với các tiêu chuẩn dễ dàng hơn cho những đại lý chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản như nạp và rút tiền.
Phần lớn các nước cho phép các đại lý thực hiện các giao dịch nạp và rút tiền. Điều này cho phép khách hàng giao dịch tại các cửa hàng tiện lợi và rút tiền tại các khu vực không có chi nhánh ngân hàng hay máy ATM. Điều này cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế cho các tổ chức tài chính: chuyển dịch các giao dịch có giá trị thấp sang những kênh ít tốn kém hơn để tăng khả năng cung cấp các tài khoản cơ bản và giảm tải cho các chi nhánh đông nghẹt người. Tuy nhiên, trong một số ngữ cảnh chức năng cơ bản này đã bị hạn chế bởi các quy định cổ điển vốn cấm việc xử lý tiền mặt bên ngoài chi nhánh ngân hàng. Một vướng mắc chung là việc cơ quan quản lý coi dịch vụ thu tiền là nhận “tiền gửi”, một hoạt động chỉ được thực hiện bởi các ngân hàng hoặc các tổ chức được cấp phép (ví dụ như giấy phép chuyển tiền). Những giấy phép đó thường tạo ra gánh nặng cho các đại lý. Chẳng hạn ở Indonesia, các đại lý cung cấp dịch vụ rút tiền cần có một giấy phép riêng cho “đơn vị chuyển tiền” và các yêu cầu cũng như quá trình cấp phép (liên quan đến cơ chế quản lý rủi ro và chứng minh khả năng vận hành) là không khả thi cho các đại lý nhỏ lẻ. Thực tế, các cơ quan quản lý Indonesia đã nhận ra yêu cầu này chặn đứng sự phát triển của mạng lưới đại lý. Khuyến cáo của CGAP là cơ quan quản lý nhà nước nên cho phép thực hiện các giao dịch nạp và rút tiền tại các đại lý. Khi các giao dịch được thực hiện theo thời gian thực và giao dịch trên tài khoản của đại lý thì các dịch vụ nạp và rút tiền không tạo ra nhiều rủi ro hơn so với việc nộp tiền vào tài khoản ngân hàng thông thường.
Một trong những thách thức lớn nhất cho các cơ quan quản lý là cho phép đại lý đóng vai trò gì (nếu có) trong việc thẩm định khách hàng (customer due diligence, viết tắt là CDD) cần thiết cho việc mở tài khoản và các giao dịch khác. Cho phép kiểm tra thông tin khách hàng ở xa thông qua đại lý (người không có kinh nghiệm về các biện pháp thẩm định và không thể nhận được hỗ trợ của ngân hàng) có thể làm hại các biện pháp phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT).
Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (Financial Action Task Force, viết tắt là FATF) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài chính xác định “và xác minh” danh tính khách hàng bằng cách sử dụng tài liệu “đáng tin cậy, độc lập”, mặc dù FATF không quy định cụ thể các hình thức của tài liệu đó. Trong nỗ lực tuân thủ yêu cầu này, các chính phủ quốc gia đôi khi nhấn mạnh vào tài liệu, chẳng hạn như thẻ căn cước hoặc bằng chứng về địa chỉ, những thứ có thể nằm ngoài tầm với của nhiều người nghèo. Ngoài ra, một số thậm chí còn yêu cầu dữ liệu sinh trắc học, điều không chỉ quá khó đối với khách hàng nghèo mà còn yêu cầu cơ sở hạ tầng (chẳng hạn như máy quét mắt hoặc đầu đọc dấu vân tay) quá tốn kém hoặc công nghệ không tương thích với thực tế của các đại lý ở vùng sâu vùng xa. Ví dụ, các quy định của Pakistan yêu cầu quét vân tay như một điều kiện để đăng ký tài khoản, nhưng công nghệ cần thiết để lấy dấu vân tay chính xác khiến nhiều đại lý nhỏ hơn hoạt động ở những khu vực có ít người phải chi khá tốn kém. Nhận thức được tác động tiêu cực đến việc phổ cập tài chính, các cơ quan quản lý Pakistan đã ban hành các miễn trừ tạm thời đối với yêu cầu này để cho phép phổ biến và áp dụng các dịch vụ ngân hàng không chi nhánh thông qua các đại lý.
Các đại lý (theo nghĩa pháp lý truyền thống) được FATF xem chỉ đơn giản là một phần mở rộng của nhà cung cấp dịch vụ tài chính, và do đó, việc thực hiện CDD của các đại lý được coi như được tiến hành bởi tổ chức tài chính. Không rõ FATF xem sự khác biệt giữa đại lý và bên thứ ba như thế nào nếu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong cả hai trường hợp. Hiện FATF đang trong quá trình xem xét các khuyến nghị của mình và làm rõ vai trò của các đại lý và bên thứ ba. Thừa nhận yêu cầu giám sát trên thực tế hạn chế các thực thể có thể hoạt động như đại lý, FATF đang xem xét cho phép các quốc gia có nhiều quyền quyết định hơn về các loại bên thứ ba được phép tham gia vào CDD, miễn là họ được giám sát hoặc theo dõi. Ngoài ra, FATF đang xem xét việc áp dụng một tiêu chuẩn mới để xác minh CDD của các bên khác - với yếu tố trung tâm là liệu các bên đó có áp dụng các thủ tục CDD của riêng họ hay chỉ đơn giản là thực hiện các thủ tục của ngân hàng, dưới sự kiểm soát của ngân hàng.
Nhiều quốc gia dễ dàng trong việc cho phép các đại lý tiến hành CDD. Trên khắp Châu Mỹ Latinh (như ở Peru, Colombia, Mexico và Brazil), các ngân hàng đại lý thường xuyên xác minh danh tính khách hàng. Tại Ấn Độ, các ngân hàng “có thể, nếu cần, sử dụng dịch vụ của đại lý cho các công việc sơ bộ liên quan đến các thủ tục mở tài khoản” với điều kiện ngân hàng là bên cuối cùng phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các yêu cầu của AML/CFT. Tại Fiji, các đại lý bán lẻ có thể tiến hành CDD thay mặt cho các MNO cung cấp dịch vụ tài chính di động. Tại Philippines, các cơ quan quản lý cho phép các đại lý chuyển tiền (RA) được cấp phép xác minh danh tính khách hàng, miễn là các đại lý đó phải trải qua khóa đào tạo, lưu giữ hồ sơ trong 5 năm và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Một số quốc gia đã đi theo một con đường khác đối với việc sử dụng các đại lý trong CDD - cho phép các đại lý chỉ tiến hành CDD đối với các sản phẩm tài chính được coi là có rủi ro thấp hơn đối với rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ví dụ, ở Pakistan, các quy định về ngân hàng không chi nhánh năm 2008 cho phép các ngân hàng đại lý mở tài khoản Cấp 1, tài khoản này có giới hạn số dư và hạn mức chuyển khoản tương đối thấp. Tương tự, Mexico và Peru, các ngân hàng đại lý có thể tiến hành CDD đối với các tài khoản giao dịch thấp, rủi ro thấp hoặc cơ bản với giới hạn tiền gửi và giao dịch.
Các điều khoản thương mại trong hợp đồng đại lý
Tiềm năng của mạng lưới đại lý có thể được tạo điều kiện hoặc hạn chế bởi một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến cách kiểm soát các đại lý. Những vấn đề này bao gồm (i) cách chi trả hoa hồng cho đại lý, (ii) liệu đại lý có thể ký hợp đồng độc quyền với ngân hàng hay không, và (iii) cách quản lý đại lý bởi người quản lý mạng lưới đại lý (ANM).
Trong khi hầu hết các cách tiếp cận cho phép đàm phán tự do giữa đại lý và tổ chức tài chính, gần như tất cả các quốc gia đều cấm đại lý tính phí trực tiếp cho khách hàng và một số nơi thậm chí còn hạn chế số tiền ngân hàng có thể tính phí khách hàng đối với các giao dịch đại lý. Những quy định lành mạnh như vậy, nhằm mục đích bảo vệ khách hàng khỏi các khoản phí quá cao, có thể gây hại cho sự phát triển của mô hình ngân hàng không chi nhánh nếu khiến người tham gia không thể tạo ra lợi nhuận sau khi vượt qua những thách thức và chi phí khi tiếp cận người nghèo. Ví dụ, ở Ấn Độ, quy định về đại lý ban đầu không cho phép các ngân hàng và đại lý có thể tính phí khách hàng khi sử dụng đại lý. Nhận thấy tác động bất lợi của cách tiếp cận này đối với khả năng tồn tại của các mô hình ngân hàng đại lý, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm này vào tháng 11/2009 và hiện các ngân hàng được phép tính phí hợp lý theo các chính sách đã được ban giám đốc ngân hàng phê duyệt.
Các nhà quản lý có thể yên tâm khi biết rằng, trong một số trường hợp, thị trường khiến giá cả trở nên vừa phải ngay cả khi không có quy định. Ví dụ, các nước Mỹ Latinh thường cho phép các ngân hàng tính phí các giao dịch đại lý, mặc dù các ngân hàng không phải lúc nào cũng áp dụng các khoản phí như vậy do lo ngại về cạnh tranh hoặc khả năng chi trả - và thường là vì lợi ích của ngân hàng là chuyển các giao dịch có giá trị thấp sang các đại lý và giảm tải cho chi nhánh ngân hàng.
Các quy định đôi khi cũng chỉ rõ rằng các đại lý không thể thay đổi các mức phí cho khách hàng trừ khi được thông qua ngân hàng - ví dụ như ở Pakistan, nơi các đại lý không thể thay đổi cấu trúc phí do ngân hàng đặt ra theo bất kỳ cách nào. Ngay cả ở những nơi ngân hàng được phép thu phí khách hàng sử dụng đại lý, các quy định vẫn thường yêu cầu ngân hàng thu phí này trực tiếp từ tài khoản của khách hàng (thay vì cho phép đại lý thu phí trực tiếp của khách hàng). Các quy định này nhằm giảm thiểu rủi ro do các đại lý sử dụng quy trình thu phí để tính phí không công bằng cho khách hàng đối với dịch vụ của họ, đặc biệt là ở những địa điểm có ít đại lý.
Trong một số trường hợp cá biệt, các đại lý đã được phép đặt mức phí của riêng họ (trong phạm vi do nhà cung cấp dịch vụ xác định). Ở Tanzania, các đại lý của một ngân hàng được phép thiết lập phí của riêng họ với giả định rằng sự cạnh tranh ở các khu vực thành thị sẽ làm giảm phí, trong khi chi phí quản lý tăng ở các vùng sâu vùng xa sẽ đòi hỏi phí đại lý cao hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường tự do mang những rủi ro riêng. Trong trường hợp của Philippines, RA có thể thực hiện một số quyết định trong việc định giá riêng của họ. Một nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho phép RA tính phí tối đa 3 phần trăm số tiền giao dịch (mặc dù họ được nhà cung cấp khuyến khích chỉ tính phí 1 phần trăm). Việc thiếu các khoản phí thống nhất đã dẫn đến một số khách hàng khó chịu và thiếu thông điệp tiếp thị nhất quán - các yếu tố có thể đã góp phần hạn chế việc chấp nhận của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng không chi nhánh.
Các quy định thường cấm các ngân hàng ký hợp đồng với các đại lý trên cơ sở “độc quyền” nhằm thúc đẩy khả năng thương mại hóa, phổ cập tài chính và cạnh tranh. Ví dụ, các quy định ở Kenya cấm đại lý độc quyền, nhưng yêu cầu mỗi nhà cung cấp dịch vụ phải có thỏa thuận riêng với từng đại lý cho các mục đích giám sát và trách nhiệm pháp lý. Tại Fiji, các cơ quan quản lý đã cấm đại lý độc quyền như một điều kiện để ra mắt hai nền tảng thanh toán di động - mặc dù các nhà khai thác ở đó đã gợi ý rằng họ gây áp lực cho các đại lý ưu tiên dịch vụ của họ hơn so với đối thủ của họ. Ví dụ, một đại lý không thực hiện đủ số lượng giao dịch thay mặt cho một ngân hàng cụ thể có thể bị hủy hợp đồng.
Ở một số thị trường, các cơ quan quản lý không chỉ cấm hợp đồng đại lý độc quyền còn đi một bước xa hơn để thúc đẩy chia sẻ. Tại Pakistan, Hướng dẫn về ngân hàng không chi nhánh đề cập rõ ràng đến việc các ngân hàng áp dụng “kiến trúc mở” cho phép các đại lý phục vụ nhiều ngân hàng mà không cần có hợp đồng riêng với từng ngân hàng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các cơ quan quản lý cũng đã xem xét việc ủy quyền “khả năng tương tác của đại lý” - nói cách khác, yêu cầu khách hàng của bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể sử dụng một đại lý, sau khi đại lý đó được một ngân hàng đăng ký. Tại Maldives, Cơ quan tiền tệ hiện có kế hoạch yêu cầu bất kỳ đại lý nào, khi đã được một ngân hàng đăng ký, có thể xử lý các giao dịch thay mặt cho khách hàng của bất kỳ ngân hàng nào tham gia vào hệ thống thanh toán.
Trong các trường hợp khác, các cơ quan quản lý cho phép tính độc quyền, tin rằng điều này sẽ cải thiện động lực cho các nhà cung cấp đầu tư vào ngân hàng đại lý. Nếu không có tính độc quyền, các đối thủ cạnh tranh có thể tận dụng khoản đầu tư của người dẫn đầu trong việc xác định, kiểm tra và đào tạo các đại lý tiềm năng.
Trong khi các quy định về đại lý ở Brazil, Colombia và Peru im lặng về vấn đề độc quyền của đại lý, các thỏa thuận độc quyền là phổ biến ở các quốc gia này. Các khu vực pháp lý khác, chẳng hạn như Nigeria, làm rõ rằng các đại lý được phép đại diện cho nhiều tổ chức tài chính, nhưng về mặt kỹ thuật cho phép các đại lý tham gia vào các thỏa thuận độc quyền nếu họ muốn.
Tình hình ở Ấn Độ phức tạp hơn. Mặc dù các quy định của Ấn Độ cho phép một đại lý (như trong trường hợp của một chuỗi bán lẻ lớn hoặc đại lý khác có nhiều cửa hàng) đại diện cho nhiều ngân hàng, “một đại lý bán lẻ hoặc đại lý phụ của đại lý sẽ đại diện và cung cấp dịch vụ ngân hàng của một ngân hàng duy nhất”. Do đó, ở điểm giao tiếp với khách hàng, tính độc quyền là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, như với máy ATM, người ta cho rằng các ngân hàng có thể thương lượng với ngân hàng khác để đưa ra giá cả và các điều khoản khác để khách hàng của ngân hàng khác có thể sử dụng điểm giao dịch có thương hiệu riêng. Chính sách này bề ngoài nhằm thúc đẩy sự rõ ràng cho người dùng cuối và đảm bảo trách nhiệm giải trình ngân hàng cho từng địa điểm, mặc dù nó có thể gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cạnh tranh trong các khu vực đang thiếu các đại lý phù hợp. Ngoài ra, trên thực tế, quy định này có thể khó thực thi: các chuyên gia trong ngành cho rằng các cá nhân hoặc thành viên gia đình làm việc tại cùng một cửa hàng có thể ký các thỏa thuận riêng với các ngân hàng khác nhau mà không bị phát hiện. Câu hỏi về tính độc quyền của đại lý vượt ra ngoài việc cân bằng giữa các biện pháp khuyến khích động lực đi đầu với việc tăng điểm tiếp cận để tối đa hóa sự phổ cập tài chính ngắn hạn. Khi thị trường phát triển và nhiều chủ thể tham gia vào lĩnh vực này, câu hỏi về tính độc quyền mở rộng thành câu hỏi về chính sách cạnh tranh. CGAP khuyến nghị cho phép độc quyền đại lý tạm thời, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển ngành, nhằm cung cấp cho ngân hàng các ưu đãi ngắn hạn để đầu tư xây dựng mạng lưới đại lý, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà cung cấp khác cạnh tranh hiệu quả trong dài hạn ở những khu vực có ít đại lý phù hợp.
Mặc dù các ngân hàng đã quen với việc quản lý các chi nhánh, nhưng họ thường thấy rằng việc xác định, đào tạo và quản lý các đại lý là một công việc khác biệt và đầy thách thức. Do đó, họ đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ANM để thực hiện vai trò này. Có nhiều mô hình ANM khác nhau nhưng ANM thường là: (i) các bên thứ ba chuyên biệt ký hợp đồng với các ngân hàng cho các dịch vụ quản lý đại lý thuê ngoài, nhưng họ không tự hoạt động với tư cách là đại lý; (ii) các nhà bán lẻ lớn (chẳng hạn như chuỗi cửa hàng tạp hóa) hoặc các đơn vị khác có mạng lưới đại lý lớn, độc quyền, những người ký một thỏa thuận đại lý duy nhất với ngân hàng và sau đó sẽ quản lý các chức năng đại lý tại mỗi điểm bán lẻ của họ; hoặc (iii) các bên thứ ba (chẳng hạn như MNO), những người ký một thỏa thuận đại lý duy nhất với ngân hàng nhưng sau đó họ ký hợp đồng phụ với các pháp nhân hoặc cá nhân khác làm đại lý.
Quy định đôi khi hạn chế các mô hình ANM bằng cách ngăn cản các đại lý ký hợp đồng phụ hoặc giao nhiệm vụ đại lý của họ. Ví dụ, Hướng dẫn năm 2010 của Kenya về Ngân hàng đại lý quy định một cách rõ ràng rằng một đại lý sẽ không “ký hợp đồng phụ với một pháp nhân khác để thực hiện ngân hàng đại lý thay mặt cho họ”. Ở Mexico, quy định cho phép các bên thứ ba, bao gồm MNO và các nhà bán lẻ, thiết lập và quản lý mạng lưới đại lý cho các ngân hàng. Ở Pakistan, các quy định về ngân hàng không chi nhánh rõ ràng coi trọng vai trò của “siêu đại lý”, có thể là các tổ chức có các cửa hàng bán lẻ hiện có hoặc cơ sở phân phối, bao gồm các công ty phân phối nhiên liệu, Bưu chính Pakistan, các công ty chuyển phát nhanh và chuỗi cửa hàng. Các siêu đại lý này sẽ chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát các đại lý con, và các thỏa thuận giữa các đại lý con và các siêu đại lý sẽ phải tương tự về hình thức và nội dung theo thỏa thuận giữa siêu đại lý và ngân hàng. Ở Brazil, các quy định gần đây chỉ cho phép một cấp liên hệ phụ. Các nhà quản lý ở đó tin rằng việc có nhiều cấp độ của hợp đồng phụ tạo ra quá nhiều khoảng cách giữa ngân hàng và các đại lý bình phong mà họ phải chịu trách nhiệm. Các ngân hàng đã không thể giám sát hiệu quả các đại lý của họ, dẫn đến dịch vụ khách hàng kém và gian lận.
Sau các phân tích, CGAP khuyến nghị cho phép ký hợp đồng phụ của đại lý, với điều kiện ngân hàng là tổ chức chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các dịch vụ tài chính được cung cấp.
Phạm vi trách nhiệm của ngân hàng đối với hoạt động của đại lý
Áp đặt trách nhiệm pháp lý của các ngân hàng đối với các hành vi của đại lý thường là yếu tố quan trọng để các cơ quan quản lý cho phép sử dụng các đại lý. Việc áp đặt trách nhiệm ngân hàng đối với việc đại lý không tuân thủ các quy định buộc các nhà cung cấp phải đảm bảo hành vi của đại lý có tính chuyên nghiệp và đại lý tuân thủ các biện pháp CDD và cuối cùng làm giảm bớt những lo ngại của cơ quan quản lý về việc sử dụng đại lý. Trong số các quốc gia được xem xét trong báo cáo của CGAP, tất cả các quốc gia cho phép các ngân hàng đại lý đều áp đặt trách nhiệm pháp lý của ngân hàng đối với các đại lý. Brazil, một quốc gia có lẽ sử dụng rộng rãi nhất các ngân hàng đại lý, yêu cầu các ngân hàng phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm về các dịch vụ do các đại lý của mình cung cấp”. Tương tự, Ấn Độ yêu cầu rằng “tất cả các thỏa thuận / hợp đồng với khách hàng phải quy định rõ ràng rằng ngân hàng chịu trách nhiệm trước khách hàng về các sai sót và hoa hồng [của đại lý]”. Điều thú vị là Pakistan áp đặt trách nhiệm pháp lý ngân hàng nhưng tuyên bố rằng ngân hàng có thể “thực hiện các bước mà họ cho là cần thiết để tự bảo vệ mình trước các khoản nợ phải trả phát sinh từ hành động của các đại lý của mình…”. Điều khoản này gợi ý rằng các ngân hàng nên ký kết các thỏa thuận bồi thường với các đại lý của họ - một biện pháp bảo vệ có thể hướng các ngân hàng tới các đại lý lớn và có vốn hóa tốt, có khả năng bồi thường cho ngân hàng trong khi từ bỏ các mối quan hệ đại lý với các nhà bán lẻ nhỏ hơn, những người có thể có vị trí tốt hơn để phục vụ những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, bất chấp việc áp dụng rộng rãi hợp đồng trách nhiệm với các đại lý, các mục tiêu phổ cập tài chính sẽ có lợi từ việc giới hạn trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp đối với các hoạt động hoặc các thiếu sót liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Việc không làm như vậy có khả năng làm tăng chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ tài chính, những người có thể phải bồi thường thiệt hại cho các hành động không liên quan đến mục đích cung cấp dịch vụ tài chính của đại lý. Những chi phí này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, tác động tiêu cực không chỉ đến sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh khả thi mà còn tác động tới cả sự dễ dàng và tốc độ tăng trưởng của các mô hình đó. Một số quốc gia giới hạn rõ ràng hơn mức độ trách nhiệm của ngân hàng đối với các dịch vụ tài chính được cung cấp. Ví dụ, nguyên tắc về ngân hàng đại lý của Kenya quy định trách nhiệm pháp lý đối với các ngân hàng đối với các hành động của đại lý “ngay cả khi không được ủy quyền trong hợp đồng [đại lý] miễn là chúng liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc các vấn đề liên quan đến điều đó”. Điều này được phản ánh gần như nguyên văn trong Nguyên tắc ngân hàng không chi nhánh mà Haiti ban hành.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8/2022
Nguyễn Anh Tuấn