Mục tiêu tài chính, các bước xây dựng mục tiêu tài chính hiệu quả

07/02/2023 - 20:17
(Bankviet.com) Để kiểm soát chi tiêu để hướng tới mục tiêu ổn định về tài chính, bạn cần xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý. Hãy đặt ra mục tiêu tài chính một cách khoa học càng sớm càng tốt.

Khái niệm mục tiêu tài chính

Mục tiêu tài chính cá nhân là những mục tiêu giúp bạn xác định ngân sách để thực hiện những dự định cụ thể trong một khoảng thời gian xác định. Chúng có thể là những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn như mua nhà, mua xe, chi cho giáo dục…

Việc tạo một danh sách các mục tiêu tài chính là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bạn xác định ngân sách cụ thể, có mục tiêu rõ ràng về những gì bạn đang hướng tới và lên kế hoạch cho việc thực hiện ước mơ của bản thân.

Mục tiêu tài chính, các bước xây dựng mục tiêu tài chính hiệu quả
Hình minh họa

Các loại mục tiêu tài chính phổ biến

Cần phân chia những mục tiêu tài chính thành 3 loại: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn:

Mục tiêu ngắn hạn (dưới 3 năm): Các mục tiêu ngắn hạn như chi phí cho một chuyến du lịch, sửa chữa nhà cửa, thay tivi mới, lên đời máy tính, điện thoại… Đây là những khoản chi tiêu trong tương lai gần. Hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn sẽ góp phần giúp bạn đạt được các mục tiêu trong dài hạn.

Mục tiêu trung hạn (từ 3 đến 10 năm): Mục tiêu dạng này thường hướng đến các khoản chi phí lớn hơn, thời gian kéo dài hơn, có thể là mua một chiếc ô tô, thanh toán một khoản nợ nào đó…

Mục tiêu dài hạn (trên 10 năm): Các mục tiêu dài hạn được lập ra với mục đích đảm bảo tài chính cho tuổi già, mua nhà trả góp. Với mục tiêu này, việc thực hiện cần phải kiên trì và đều đặn.

Cách xây dựng mục tiêu tài chính

Tập thói quen quản lý chi tiêu

Hãy tập cho mình thói quen chỉ nên tiêu trong khoảng 60-70% thu nhập cho các khoản hàng tháng, phần còn lại dành để tiết kiệm hoặc đầu tư.

Tốt nhất hãy ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày vào sổ hay điện thoại. Đến cuối tháng tổng hợp lại và đánh giá xem mình có đang chi tiêu quá nhiều hay không để kịp thời điều chỉnh. Nhờ cách này, bạn sẽ cân bằng được giữa chi tiêu và tiết kiệm, hình thành được ý thức chi tiêu hợp lý.

Lập tài khoản tiết kiệm

Tài khoản tiết kiệm giúp bạn lưu giữ tiền an toàn và đảm bảo cuộc sống ổn định vững chắc khi bạn đã trưởng thành. Hãy đặt mục tiêu tiết kiệm được từ 80 triệu đến 100 triệu hoặc cao hơn tùy theo thu nhập của bạn.

Có quỹ dự phòng khẩn cấp

Hãy trích 5% thu nhập mỗi tháng cho quỹ dự phòng khẩn cấp để sử dụng trong những tình huống bất ngờ như: Muộn lương, ốm đau bệnh tật, mất việc đột ngột, hỗ trợ người thân trong lúc khó khăn…

Quỹ dự phòng khẩn cấp ít nhất nên bằng với chi tiêu tối thiểu của bạn trong từ 3 tháng trở lên.

Nói “không” với nợ nần

Nhiều bạn trẻ thường bị tác động bởi nhiều khoản chi tiêu như học phí đại học, cao học, mua sắm các thiết bị điện tử hiện đại mới ra, chi phí cho giải trí quá mức… Chính vì thế không ít người rơi vào cảnh nợ nần, phổ biến như nợ thẻ tín dụng.

Nếu bạn đang ở trong nhóm trên thì bạn sẽ không đạt được mục tiêu tài chính. Hãy giải quyết ngay nợ nần không cần thiết và giới hạn lại chi tiêu, bạn sẽ thấy tâm lý nhẹ nhõm hơn, tạo tiền đề cho hoàn thành mục tiêu tài chính sắp tới.

Lợi ích của việc xây dựng mục tiêu tài chính

Việc có những mục tiêu cụ thể về tiền bạc cũng giống như việc vẽ ra một con đường để đi đến đích. Với những người không có mục đích cụ thể, họ sẽ loay hoay giữa việc nên chi tiêu hay tiết kiệm, nên tiết kiệm bao nhiêu…

Nhiều bạn trẻ hiện nay thường loay hoay giữa hai mong muốn: Nên tiết kiệm cho tương lai hay nên tiêu tiền vì “đời chỉ sống có một lần”. Khi tiết kiệm, họ không có mục tiêu cụ thể, không biết mình tiết kiệm vì cái gì nên không có hiệu quả.

Chính vì thế, ngay từ hôm nay, bạn hãy đặt ra cho mình những mục tiêu tài chính cụ thể mà bạn muốn hướng tới trong tương lai để có thể chủ động lên kế hoạch chi tiêu gì và tiết kiệm bao nhiêu.

Diệp Diệp

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán