Phóng viên: Trong năm 2024, ngành Ngân hàng được đánh giá là góp phần tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Vậy theo ông, đâu là những dấu ấn của ngành Ngân hàng trong năm 2024?
TS. Đinh Thế Hiển: Năm 2024, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả, trước hết là việc quản lý tiền gửi và tiền cho vay ổn định. Tôi cho rằng, mức lãi suất VND hiện ở mức 5%/năm là hợp lý. Mức lãi suất huy động ổn định, góp phần ổn định thị trường vốn.
Năm 2024 mở ra một giai đoạn lãi suất ổn định, giúp chi phí vốn thông qua cung ứng vốn tín dụng ngân hàng ở mức hợp lý. Đây là điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.
Cần rõ ràng rằng, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư để kỳ vọng thu lợi nhuận cao. Lãi suất tiền gửi tại các nước phát triển trên thế giới đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát. Hiện tại, ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm. Tôi đánh giá, đây là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng hơn 1%.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện thay đổi cơ chế phân bổ room tín dụng, phân bổ ngay từ đầu năm và trao cơ hội cho những ngân hàng có thể tăng trưởng.
Ngoài ra, việc đưa vốn vào nền kinh tế năm 2024 khá thuận lợi, việc tái cấu trúc cũng đã tạo dựng được niềm tin cho người gửi tiền và nâng cao hệ thống quản trị trong ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng đang hướng tới phát hành trái phiếu trung và dài hạn nhằm tăng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn vào nền kinh tế.
Phóng viên: Ông vừa nhắc ở trên về việc thay đổi cơ chế phân bổ room tín dụng, trao cơ hội tăng trưởng cho các ngân hàng. Vậy ông đánh giá như thế nào về thay đổi này đối với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại?
TS. Đinh Thế Hiển: Với các ngân hàng thương mại, vấn đề phát triển tín dụng phải nằm trong một chiến lược dài hạn chứ không phải thay đổi liên tục. Và hàng năm, các ngân hàng thương mại sẽ đặt ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm đó. Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước cấp chỉ tiêu đầu năm hoàn toàn phù hợp để ngân hàng thương mại có định hướng hoạt động cả năm.
Trong điều kiện thuận lợi, các ngân hàng thương mại được bổ sung, tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cũng sẽ không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của ngân hàng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường.
Phóng viên: Từ những kết quả đạt được của năm 2024, theo ông, đâu sẽ là thuận lợi, khó khăn của ngành Ngân hàng trong năm 2025?
TS. Đinh Thế Hiển: Năm 2025 sẽ có những diễn biến rất khác khi có rất nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam như: FDI, xuất khẩu, ngành nông nghiệp, tiêu dùng đang cải thiện và phục hồi. Ngành thương mại và dịch vụ được kỳ vọng trong năm 2025 tăng 10%, tăng cao hơn năm 2024. Ngành bất động sản đang hướng tới gia tăng giá trị chứ không phải chờ tăng giá hay đầu cơ. Các khu vực bất động sản có khả năng tích tụ dân, hình thành các khu công nghiệp sản xuất kinh doanh, thuê mặt bằng thương mại văn phòng dịch vụ thì những khu vực đó phục hồi và tăng trưởng từ cuối 2025 và đầu năm 2026.
Với bối cảnh này, ngành Ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi để đưa vốn vào thị trường hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, năm 2025, ngành Ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn, giữ nợ xấu không bị tăng và nguồn vốn thu vòng về tốt hơn.
Phóng viên: Theo ông, dòng vốn tín dụng trong năm 2025 sẽ chuyển động vào các ngành như thế nào?
TS. Đinh Thế Hiển: Theo tôi, vốn tín dụng của ngân hàng trong năm 2025 sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh có dòng tiền và hướng xuất khẩu. Cụ thể, với dự báo thương mại dịch vụ tăng 10% vào năm 2025 (năm 2024 là 8%), thì lĩnh vực này sẽ thu hút tín dụng tốt hơn năm 2024.
Về sản xuất kinh doanh, bên cạnh những ngành có thế mạnh, thì ngành thủy sản phục hồi cũng sẽ hút vốn tín dụng ngân hàng. Lĩnh vực bất động sản tuy đã từng bước vượt qua khó khăn, nhưng năm 2025 chưa thuận lợi cho tín dụng đổ vào các dự án bất động sản, mà vay cá nhân sẽ tăng tốt hơn, do nhà đầu tư cá nhân và người có nhu cầu sử dụng bắt đầu “xuống tiền”.
Phóng viên: Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Đây là mục tiêu khá cao. Vậy theo ông, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 nên như thế nào để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đạt mục tiêu tăng trưởng này?
TS. Đinh Thế Hiển: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thể hiện rõ quyết tâm chính sách của nhà điều hành, nhằm duy trì động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro. Đồng thời, mục tiêu này cũng khẳng định vai trò trung tâm của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho các hoạt động kinh tế thực.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước giao "room" tín dụng từ đầu năm cũng dần trở thành thông lệ, giúp hệ thống ngân hàng chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh, đồng thời đảm bảo phân bổ các dòng vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Riêng ngành Ngân hàng phải có những giải pháp căn cơ để đảm bảo phân bổ vốn đúng đối tượng, đúng mục đích và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục linh hoạt, chủ động trong chính sách điều hành để đảm bảo cân đối nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Các ngân hàng cần duy trì lãi suất huy động ổn định, kiểm soát lãi suất cho vay, đồng thời, quản trị nội bộ chặt chẽ, kiểm soát nợ xấu.
Cùng với đó, tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng để ứng dụng công nghệ trong quản trị, trong dự báo rủi ro và kiểm soát được dòng tiền.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Đức (thực hiện)