Đồng đô la Mỹ từ lâu đã là đồng tiền thống trị thế giới, nhưng điều đó không đảm bảo sẽ đúng khi tiền ngày càng được số hóa.
Đối với các nhà nghiên cứu Josh Lipsky và Ananya Kumar của Hội đồng Đại Tây Dương, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bị tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ.
Không giống như Mỹ, các cường quốc thế giới khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Ý và Pháp đã vượt ra khỏi giai đoạn nghiên cứu lý thuyết về đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Lipsky, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Rất nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có một số ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, đang đầu tư mạnh vào đổi mới, nhưng quan điểm của Mỹ về vấn đề này lại thận trọng hơn nhiều. Ở đây có rủi ro bị tụt lại phía sau, nghĩa là Mỹ sẽ có ít sự tham gia hơn trong việc thiết lập tiêu chuẩn”.
Ông Lipsky cho rằng, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nỗ lực để “chứng minh tương lai” cho tiền tệ của mình khi công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử trở nên phổ biến hơn – tất cả những điều này dù tốt hơn hoặc tệ hơn, sẵn sàng tác động đến cách mọi người sử dụng tiền hàng ngày.
Ví dụ, Ấn Độ đã mở rộng quy mô dự án đồng Rupee kỹ thuật số của mình lên hơn một triệu giao dịch mỗi ngày được xử lý bởi các ngân hàng thương mại và Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thí điểm với đồng Nhân dân tệ điện tử (eYuan) trong vài năm qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã thiết lập nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho năm 2024 để thử nghiệm đồng Euro kỹ thuật số với nhiều quốc gia thành viên.
Hội đồng Đại Tây Dương đã minh họa thêm quan điểm này bằng cách lưu ý rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bố trí hơn 300 người cho dự án tiền kỹ thuật số của mình, trong khi đối với FED thì chưa đến 20 người.
Ông Lipsky cho rằng, việc từ bỏ mở đường cho những tiến bộ này là một tính toán sai lầm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Ông nói: “FED đang không hề đưa ra vấn đề các giải pháp công nghệ trong các cuộc họp của mình”. "Tính toán sai lầm ở đây là, nghĩ đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới nên không cần thiết phải đổi mới. Tôi thấy đó là thế trận phòng thủ chứ không phải thế chủ động".
Mỹ đã triển khai chương trình FedNow, một hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Nhưng ngay cả điều đó cũng mất nhiều năm hơn so với các dự án tương tự ở nước ngoài và ra mắt với sự truyền thông hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo có thể dự án này phải mất nhiều năm nữa mới được áp dụng rộng rãi.
Tương lai rạn nứt của tiền tệ?
Các hệ thống tài chính thay thế mới đang nổi lên trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, điều này cho phép các giao dịch xuyên biên giới được thực hiện hiệu quả, dù Mỹ chưa nổi lên như một người chơi chủ chốt trong không gian này chứ chưa nói đến là người dẫn đầu.
Ông Lipsky cho biết, những dự án này cần có thời gian để xây dựng và triển khai, nhưng một khi được kích hoạt, sự đổi mới và tiến độ có thể sẽ cực kỳ nhanh.
Theo Hội đồng Đại Tây Dương, nếu Mỹ không nổi lên như nhà đổi mới, FED và đồng USD có thể thấy vị thế của mình trên trường thế giới giảm sút thông qua sức mạnh thương mại, dự trữ và việc thực thi các lệnh trừng phạt.
Ông Lipsky nói: “Kết quả cuối cùng của việc FED ít tham gia hơn vào vấn đề này sẽ là việc khung cảnh về thanh toán bị rạn nứt”. "Các mô hình khác nhau sẽ phổ biến ở các quốc gia khác nhau và điều đó sẽ tạo ra nhiều va chạm hơn. Có thể có một hệ thống kém hiệu quả và kém an toàn hơn. Sẽ không có sự thống nhất hệ thống thanh toán trên toàn cầu và đó là bất lợi cho Mỹ."
V.A