Mỹ đổ hàng chục tỷ đô vào điện gió ngoài khơi: Tham vọng lớn, thách thức nhiều

27/08/2024 - 16:18
(Bankviet.com) Trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi xanh, Mỹ đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, với nỗ lực đặc biệt dành cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để hoàn thiện cơ chế, chính sách Đường đua phát triển điện gió ngoài khơi đến 2040: Châu Mỹ liệu có bắt kịp châu Âu?

Trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi xanh, Mỹ đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, với nỗ lực đặc biệt dành cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm thách thức tài chính và lỗi thiết bị. Câu hỏi đặt ra là: Liệu với các gói hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cùng các chính sách khí hậu khác, Mỹ có thể vượt qua thách thức để thành công trong việc phát triển điện gió ngoài khơi?

Tham vọng lớn của Mỹ

Theo trang tin tức năng lượng Oilprice, Mỹ hiện có kế hoạch đầy tham vọng, dự kiến đầu tư khoảng 65 tỷ USD vào điện gió ngoài khơi đến năm 2030, góp phần tạo ra khoảng 56.000 việc làm. Hiện tại, 56 GW năng lượng gió đang được triển khai trên 37 hợp đồng thuê, có tiềm năng cung cấp điện cho 22 triệu ngôi nhà.

Mỹ đổ hàng chục tỷ đô vào điện gió ngoài khơi: Tham vọng lớn, thách thức nhiều
Trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi xanh, Mỹ đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, với nỗ lực đặc biệt dành cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Ảnh: Oilprice

Theo lộ trình, 14 GW sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, 30 GW vào năm 2033 và 40 GW vào năm 2035. Các tiểu bang như New Jersey, New York, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut và Virginia đã có kế hoạch phát triển các trang trại gió ngoài khơi.

Ngoài các khoản đầu tư của chính phủ, Mỹ cũng thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài nhờ chính sách IRA. Đáng chú ý, công ty Equinor của Na Uy đang phát triển dự án Empire Wind ở New York, với công suất giai đoạn một là 810 MW và giai đoạn hai là 1.260 MW.

Dự án Empire Wind 1 sẽ trở thành dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên kết nối với lưới điện của thành phố New York. Equinor cũng đang xây dựng South Brooklyn Marine Terminal để làm trung tâm gió ngoài khơi đầu tiên của bang New York. Ngoài ra, công ty này còn được chọn trong cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi nổi đầu tiên của Mỹ để phát triển trang trại gió 2 GW ngoài khơi California, với khả năng cung cấp điện cho 1,7 triệu ngôi nhà sau khi đi vào hoạt động.

Đáng chú ý, nhà sản xuất tuabin Vestas của Đan Mạch sẽ cung cấp thiết bị cho dự án Empire Wind. Vestas đã có mặt lâu năm tại thị trường Mỹ, cung cấp thiết bị cho nhiều trang trại gió trên bờ.

Ông Josh Irwin, Phó chủ tịch cấp cao về bán hàng ngoài khơi tại Vestas Bắc Mỹ, nhận định: "Sự thành công của làn sóng dự án đầu tiên là bước quan trọng để đảm bảo tính bền vững cho thị trường điện gió ngoài khơi tại Mỹ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm đáng tin cậy và hợp tác chặt chẽ với Equinor nhằm giúp New York đạt được các mục tiêu năng lượng gió ngoài khơi đầy tham vọng".

Liệu có thể vượt qua thách thức?

Mặc dù có sự quan tâm mạnh mẽ đến việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Mỹ, ngành công nghiệp này đang đối mặt với nhiều trở ngại. Đến năm 2024, Mỹ chỉ mới phát triển bốn trang trại gió với tổng công suất 242 MW, cho thấy sự chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ này.

Năm 2023, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề kinh tế vĩ mô đã dẫn đến việc hủy bỏ hoặc đàm phán lại một nửa số dự án điện gió ngoài khơi được đề xuất, bất chấp sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Ngành này cũng đang chịu áp lực trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt điện gió ngoài khơi nếu ông tái đắc cử.

Công ty Orsted của Đan Mạch, một trong những nhà đầu tư tiên phong vào điện gió ngoài khơi của Mỹ, mới đây đã thông báo sẽ trì hoãn dự án Revolution Wind 704 MW ngoài khơi Rhode Island và Connecticut từ năm 2025 đến năm 2026, sau khi công bố kết quả tài chính không khả quan với khoản lỗ 575 triệu USD. Quyết định này xuất phát từ vấn đề ô nhiễm đất tại một trạm biến áp trên bờ.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng đã hủy bỏ cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi ở Vịnh Mexico do thiếu sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Dự án điện gió ngoài khơi lớn đầu tiên của quốc gia cũng bị tạm dừng sau khi một cánh tuabin bị vỡ, làm cho các mảnh sợi thủy tinh trôi dạt vào các bãi biển lân cận.

Dự án Vineyard Wind, do Copenhagen Infrastructure Partners và Avangrid thuộc sở hữu của Iberdrola điều hành, đã báo cáo vào ngày 13 tháng 7 rằng, một cánh quạt của tuabin GE Haliade X 13,7MW bị hư hại, khiến các bãi biển ven biển Massachusetts phải đóng cửa. Sự cố này làm dấy lên nghi ngờ về tiềm năng của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Mỹ.

Là quốc gia áp dụng muộn công nghệ điện gió ngoài khơi, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển công suất điện gió, bất chấp các chính sách khí hậu thuận lợi và ưu đãi tài chính. Lạm phát và các vấn đề kinh tế, cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ đại dịch Covid-19, đã cản trở sự phát triển của ngành này. Hiện tại, với sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Mỹ trở nên khó đoán định cho đến khi có sự ổn định chính trị.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương