Mỹ gửi đến Ấn Độ một mặt hàng quan trọng với giá rẻ bất ngờ: Nhập khẩu tăng gấp 6 lần trong 2 tháng, Việt Nam cũng đang 'chốt đơn' hàng trăm nghìn tấn

17/04/2025 - 22:24
(Bankviet.com) Hơn 155 nghìn kiện mặt hàng này đã được Ấn Độ mua từ Mỹ trong 2 tháng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa - Giá cả

Mỹ gửi đến Ấn Độ một mặt hàng quan trọng với giá rẻ bất ngờ: Nhập khẩu tăng gấp 6 lần trong 2 tháng, Việt Nam cũng đang 'chốt đơn' hàng trăm nghìn tấn

Hoàng Anh 17/04/2025 14:52

Hơn 155 nghìn kiện mặt hàng này đã được Ấn Độ mua từ Mỹ trong 2 tháng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

kk.png
Ảnh minh họa

Theo Reuters, xuất khẩu bông của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng vọt trong những tháng gần đây trước vấn đề thuế quan diễn ra trên toàn cầu, giá bông của Mỹ giảm mạnh trong khi nhu cầu tăng vọt tại quốc gia Nam Á này.

ct1_com.png
Diễn biến giá bông thế giới trong 1 năm qua.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu bông sang Ấn Độ từ tháng 2 đến tháng 4 đã tăng vọt lên 155.260 kiện, so với chỉ 25.901 kiện được vận chuyển trong cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu cũng đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua vào tuần ngày 20 tháng 2.

Sự gia tăng này diễn ra khi căng thẳng thương mại Washington-Bắc Kinh leo thang, làm giảm lượng bông xuất khẩu của Mỹ sang thị trường Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng cho biết rằng họ sẽ áp thuế 125% đối với hàng hóa của Mỹ, tăng so với mức 84% đã công bố trước đó.

Theo Ajay Kedia, Giám đốc Công ty tư vấn Kedia Advisors, với mức thuế quan này và nhu cầu giảm từ Trung Quốc, bông được trồng ở Texas và các khu vực khác hiện đang tìm đến thị trường ở Ấn Độ. Đồng thời, Justin Cardwell, Giám đốc nghiên cứu và công nghệ tại Alternative Option, cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm.

Ấn Độ là nước sản xuất bông lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cũng như là một trong những nước chế biến và xuất khẩu sợi bông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản lượng giảm gần đây đã biến nước này từ nước xuất khẩu ròng thành nước nhập khẩu ròng. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu bông sợi siêu dài (ELS) từ Mỹ, được hưởng mức ưu đãi thuế 10%, không giống như bông sợi ngắn có mức thuế nhập khẩu là 11%.

Kedia cho biết: "Bông ELS của Mỹ vẫn có giá thành phải chăng đối với nhiều người mua Ấn Độ do hiệu quả xơ bông cao hơn, năng suất xơ bông tốt hơn và chất lượng sợi vượt trội".

Hiệp hội Bông Ấn Độ (CAI) năm nay đã hạ ước tính sản lượng bông 250.000 kiện, xuống còn 30,1 triệu kiện, đánh dấu mức giảm 7,84% so với mùa vụ 2023-24.

YG Prasad, Giám đốc Viện nghiên cứu bông trung ương, cho biết Ấn Độ có thể thiếu hụt 2,5 triệu kiện bông trong năm nay, và có thể bù đắp bằng cách tăng lượng nhập khẩu. Cũng theo CAI, lượng bông nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2024/25 dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi do sản lượng giảm. Ấn Độ cũng nhập khẩu bông từ Úc, Brazil và Ai Cập.

Không riêng Ấn Độ, bông cũng là một trong những mặt hàng mà Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Mỹ đã xuất khẩu sang Việt Nam hơn 155 nghìn tấn bông, trị giá hơn 275 triệu USD, tăng mạnh 86% về lượng và tăng 61% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân đạt 1.771 USD/tấn, giảm tới 13,4% so với quý 1/2024. Mỹ cũng chiếm 34% trong tổng lượng nhập khẩu bông của Việt Nam. Đồng thời, nước ta cũng là thị trường nhập khẩu bông lớn thứ 3 của Mỹ, sau Trung Quốc và Pakistan.

Bông chủ yếu được trồng để lấy sợi, được sử dụng làm nguyên liệu thô cho ngành dệt may. Đây là một mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, được sản xuất tại hơn 100 quốc gia và là mặt hàng nông nghiệp được giao dịch nhiều, với khoảng 150 quốc gia tham gia xuất nhập khẩu bông. Bông cũng là một loại cây trồng mang tính chính trị cao vì tầm quan trọng của nó trong thương mại thế giới và cải thiện nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển.

Báo cáo tháng 12/2024 của USDA cho thấy sản lượng bông Mỹ mùa 2024/25 được điều chỉnh tăng lên 14,3 triệu kiện. Trên quy mô toàn cầu, sản lượng tăng thêm 1,2 triệu kiện, với sự đóng góp lớn từ Ấn Độ, Argentina và Brazil. Trong khi đó, tiêu thụ chỉ tăng nhẹ 570.000 kiện, chủ yếu tại Ấn Độ và Pakistan. Dự báo tồn kho cuối kỳ toàn cầu tăng thêm 267.000 kiện, xác nhận áp lực giảm giá tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2024.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán