Chứng khoán châu Á "dậy sóng": Nhật Bản giảm sâu, Đài Loan hưởng lợi từ tin xuất khẩu
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 11/4 khi nhà đầu tư thận trọng trước áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Sàn giao dịch Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận sắc đỏ, trong khi Đài Loan phục hồi nhờ dữ liệu xuất khẩu tích cực.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến phiên lao dốc mạnh ngày 11/4, khi chỉ số Nikkei 225 giảm 2,79% xuống còn 33.645,28 điểm. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh khảo sát mới công bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình đã gia tăng trong quý I, làm gia tăng áp lực buộc BOJ phải tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ công bố kế hoạch kinh doanh cho năm tài khóa mới vào cuối tháng này. Đây là giai đoạn quan trọng giúp nhà đầu tư và giới phân tích đánh giá triển vọng nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát gia tăng và căng thẳng thương mại quốc tế chưa hạ nhiệt.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,51% xuống còn 2.432,94 điểm. Phó thủ tướng Choi Sang-mok cho biết chính phủ sẽ tăng cường giám sát thị trường ngoại hối, trái phiếu và tiền tệ, đồng thời chuẩn bị các phương án dự phòng để đối phó với những rủi ro. Động thái này phản ánh lo ngại ngày càng lớn của Seoul trước các thay đổi khó lường trên thị trường tài chính quốc tế và sự ảnh hưởng đến nền kinh tế xuất khẩu chủ lực.
Ngược lại, thị trường Đài Loan bật tăng mạnh với chỉ số Taiex tăng 2,78% lên mức 19.528,77 điểm. Theo Bộ Tài chính Đài Loan, xuất khẩu trong tháng 3 đạt 45,97 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái – vượt xa mức dự báo 8,45% trong khảo sát của Reuters. Đây là tháng tăng trưởng xuất khẩu thứ 17 liên tiếp, trong bối cảnh các đơn hàng được đẩy mạnh trước nguy cơ Mỹ áp thuế.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng nhẹ khi nhà đầu tư đánh giá lại tác động từ thông báo thuế của Mỹ. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1% lên mức 20.893,93 điểm. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,32% lên 3.233,80 điểm, trong khi chỉ số CSI300 nhích 0,26% đạt mức 3.744,49 điểm.
Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du đầu tiên trong năm tới ba quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ với các nước láng giềng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.
Một số thị trường khác trong khu vực cũng ghi nhận diễn biến trái chiều: chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,82% xuống mức 7.646,50 điểm. Ngược lại, Sensex của Ấn Độ tăng nhẹ 2,08% lên 75.388,63 điểm. Thị trường Thái Lan điều chỉnh nhẹ 0,45%, đưa chỉ số SET xuống còn 571,90 điểm.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày – nhưng biện pháp này không áp dụng cho Trung Quốc. Trái lại, ông đã nâng mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức hiệu quả 145%, càng khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Phản ứng với thông tin này, đồng nhân dân tệ sụt mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong phiên giao dịch ngoài Trung Quốc hôm thứ Ba, nhưng nhanh chóng phục hồi vào ngày hôm sau và tiếp tục tăng vào thứ Năm. Trong khi đó, đồng USD (Mỹ) mất giá mạnh, giảm tới 1,2% xuống còn 0,81405 Franc (Thụy Sĩ); giảm 1,1% so với Yên (Nhật) xuống mức 142,88 Yên. Trước đó, trong hai phiên liên tiếp, đồng USD đã giảm tổng cộng 1,5%.
Đồng Euro cũng bật tăng mạnh 1,7%, lên 1,13855 USD – cao nhất kể từ tháng 2/2022. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt, đã giảm 1,2%, lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 100 kể từ tháng 7/2023.