Cam kết thực hiện đúng thời hạn
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News ngày 20/7, Bộ trưởng Lutnick bày tỏ tin tưởng rằng "2 tuần tới sẽ là những tuần xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục. Tổng thống Trump sẽ hiện thực hóa được lời hứa với nhân dân Mỹ."
Ông Lutnick gọi mốc thời gian 1/8 là thời hạn cuối cùng, sẽ không có sự xê dịch, phù hợp với quan điểm của ông Trump đưa ra vào đầu tháng này là sẽ không có sự gia hạn nào. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý không có gì buộc các quốc gia phải dừng đàm phán với chúng tôi sau ngày 1/8 cả.
Trong tháng 7, Tổng thống Trump đã gửi thư áp thuế quan đến 25 đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo các đối tác này rằng họ sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn kể từ ngày 1/8 trừ khi đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Mấy tháng qua, chính quyền ông Trump đã đẩy mạnh đàm phán thương mại với hàng chục quốc gia, nhưng cho đến nay chỉ có một số ít thỏa thuận được Mỹ công bố, gồm các thỏa thuận với Anh, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.
Mức thuế quan dự kiến với các đối tác lớn
Với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 975,9 tỷ USD năm ngoái, ông Trump đã đe dọa áp thuế 30% đối với hàng hóa EU vào Mỹ bắt đầu từ tháng tới, tăng từ mức thuế đối ứng ban đầu 20% công bố hồi đầu tháng 4.
Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất ngoài EU của Mỹ cũng được thông báo mức thuế quan từ tháng tới lần lượt là 35% và 30%, tăng từ mức 25% được áp dụng sau khi ông Trump mới nhậm chức nhiệm kỳ này.
Cơ sở của việc áp thuế quan lên hai nước láng giềng là ông Trump cho rằng hai nước hành động chưa đủ để ngăn dòng chất cấm fentanyl xâm nhập vào Mỹ. Ông Lutnick cho biết thông điệp của ông Trump gửi tới Canada là thuế quan sẽ giữ ở mức 35% nếu Canada không chặn đứng dòng chảy fentanyl này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng những hàng hóa nằm trong Thỏa thuận Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sẽ không bị áp mức thuế này.
Phản ứng từ phía EU và dư luận
Giới chức châu Âu cho biết họ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với ông Trump, nhưng nếu không đạt được, họ sẵn sàng áp thuế quan trả đũa đối với hàng hóa Mỹ vào ngày 1/8. Ông Lutnick cho biết ông đã nói chuyện với một nhà đàm phán thương mại hàng đầu của châu Âu vào sáng ngày 20/7 và tin tưởng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận.
Trong một cuộc thăm dò của CBS News công bố ngày 20/7, 61% người Mỹ cho rằng chính quyền quá tập trung vào vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, ông Lutnick khẳng định người dân Mỹ sẽ yêu thích các thỏa thuận mà Tổng thống Trump và tôi đang cố gắng để đạt được.
Ông Trump vẫn kiên định với chiến lược thương mại, lập luận rằng thuế quan sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Mỹ, thu hẹp thâm hụt thương mại và khiến các quốc gia khác phải điều chỉnh các hoạt động thương mại không công bằng.
Tuy nhiên, một số động thái áp thuế quan đã gây hoang mang cho thị trường tài chính. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế nhập khẩu cao hơn sẽ dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nói rằng ngân hàng trung ương trì hoãn việc cắt giảm lãi suất một phần vì muốn có thêm thời gian để theo dõi tác động của thuế quan đến lạm phát.
Tình hình lạm phát hiện tại
Theo số liệu công bố tuần trước, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 6 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,4% của tháng trước.
Ông Lutnick cho biết ông không lo lắng về việc thuế quan sẽ dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn. Tôi nghĩ lạm phát sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại, và lập luận rằng thuế quan sẽ có lợi cho các nhà sản xuất của Mỹ. Tôi thấy quan điểm cho rằng các nhà nhập khẩu quan trọng hơn những doanh nghiệp sử dụng lao động Mỹ là một quan điểm sai lầm.
Quốc Duẩn