Nagakawa (NAG) muốn chuyển sàn sang HOSE nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới

31/05/2023 - 14:30
(Bankviet.com) ĐHĐCĐ Nagakawa (NAG) đã thông qua phương án chuyển sàn từ HNX sang HOSE nhằm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu... Việc niêm yết trên HOSE là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng giá trị, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, minh bạch hơn trong mắt nhà đầu tư và khách hàng.

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty CP Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG) đã thông qua phương án chuyển niêm yết cổ phiếu NAG từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE với mục đích tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao vị thế của tập đoàn, tạo uy tín và cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, mang lại lợi ích cho cổ đông.

Nagakawa (NAG) muốn chuyển sàn sang HOSE nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới
Nagakawa đạt doanh thu trên nghìn tỷ nhưng lãi chỉ bằng 1,2% doanh thu. Hình minh họa

Được biết, Nagakawa tiền thân là Công ty liên doanh Nagakawa Việt Nam, thành lập năm 2002. Đến tháng 3/2007, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu thành Công ty CP Nagakawa. Hơn 10 năm sau đó, công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty CP Tập đoàn Nagakawa.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Nagakawa là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh và thiết bị nhà bếp. Nhà máy sản xuất điện gia dụng Nagakawa có quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, công suất sản xuất khoảng 250.000 sản phẩm/năm.

Hiện vốn điều lệ Nagakawa là gần 316,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 31,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Ngày 22/9/2009, cổ phiếu NAG chính thức niêm yết trên sàn HNX.

Theo tìm hiểu, Nagakawa là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Đức Khả, ông Khả sinh năm 1959 từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty trong 10 năm (từ năm 2002 - 2020). Đến tháng 2/2022, ông Khả rời ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nagakawa để nhường chỗ cho ông Nguyễn Ngọc Quý.

Vào tháng 7/2020, Tập đoàn Nagakawa đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Huyền Thương (con gái ông Nguyễn Đức Khả) giữ chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Tập đoàn.

Theo báo cáo tình quản trị năm 2022, Nagakawa có hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Khả đang nắm giữ 11,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 37,74% và Công ty TNHH Phát triển Kinh tế Quốc tế Anh Vũ. Cá nhân bà Thương cũng đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,45%.

Trên thị trường chứng khoán, vào đầu tháng 12/2022, cổ phiếu NAG bất ngờ nổi sóng và đạt mức giá đỉnh lịch sử 20.500 đồng/cp vào phiên 10/2/2023, tăng 86% giá trị trong hơn hai tháng. Từ đó đến nay, thị giá NAG đang có xu hướng giảm, chốt phiên 30/5 đứng tại mức 17.700 đồng/cp, thấp hơn đỉnh khoảng 16%, khối lượng giao dịch trong phiên đạt hơn 1,1 triệu cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu  thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu NAG thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Nagakawa kinh doanh ra sao?

Về tình hình kinh doanh, Nagakawa đạt doanh thu trên nghìn tỷ đồng mỗi năm đều đặn trong giai đoạn 2019-2022.

Đáng chú ý, năm 2022 Nagakawa ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục từ khi hoạt động, đạt 1.904 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế khá “lẹt đẹt” khi chỉ đạt 23,6 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2021, nhưng chỉ bằng 1,2% doanh thu.

Trong quý 1/2023, Nagakawa ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng 533,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và các chi phí khác, Nagakawa ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong lịch sử hoạt động đạt hơn 9,7 tỷ đồng, tăng 16,5%.

Giải trình về kết quả này, Nagakawa cho biết nguyên nhân do năm 2023 các hoạt động truyền thông marketing đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả dẫn đến chi phí đầu tư cho chi phí bán hàng của công ty giảm hơn so với năm 2022.

Năm 2023, Nagakawa đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.016 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2022.

Theo mục tiêu chiến lược 2022 – 2026, Nagakawa đặt tham vọng trở thành một trong những thương hiệu sản xuất, phân phối điều hoà không khí và ngành thiết bị nhà bếp cao cấp hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục tập trung củng cố và mở rộng hệ thống kênh phân phối khắp cả nước, tiếp cận với 12.000 điểm bán trên cả nước.

Thị trường chứng khoán thiếu vắng doanh nghiệp niêm yết mới trong 3 tháng đầu năm

Năm 2023, các hoạt động của doanh nghiệp phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết mới khá trầm lắng. ...

Vừa chuyển sàn HOSE, Gỗ An Cường (ACG) báo lãi thấp nhất trong 20 quý

Lợi nhuận sau thuế của Gỗ An Cường trong quý I/2023 giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 47,5 tỷ ...

Điểm danh những ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu lên HOSE

Mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm 2023 tiếp tục “nóng” khi nhiều ngân hàng có kế hoạch chuyển sàn niêm yết, giao ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán