Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 165.500 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm tới 10,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hình minh họa. |
Trước đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ năm 2011 - 2018, có những năm tăng trưởng trên 30%.
Tuy nhiên, từ năm 2019 tới nay, tốc độ tăng trưởng của khối này đã chậm lại đáng kể. Cụ thể, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới của khối này là 21 - 22%, đến năm 2020 con số này đã xuống dưới 20%, năm 2021 đạt hơn 18% và đến năm 2022, tăng trưởng phí mới chỉ còn gần 3%.
Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ giảm tốc xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nền tới nền kinh tế.
Tăng trưởng âm đã kéo dài gần 1 năm qua, nguyên nhân đến từ sự cộng hưởng của hệ lụy từ giai đoạn dài tăng trưởng “nóng”, khiến nhiều công ty bảo hiểm không kiểm soát được đội ngũ bán hàng, để xảy ra một số vụ việc bán bảo hiểm gây tai tiếng và bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn hơn do tác động từ đại dịch Covid-19.
Theo giới chuyên gia, vẫn rất khó để có thể đưa ra dự báo bao giờ doanh thu phí mới của bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm.
Ngoài ra, do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn rất thấp và khách hàng vẫn có nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ này nên ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, để ngành này trở lại thời hoàng kim như trước là rất khó.
Một số ý kiến cho rằng, thị trường bảo hiểm sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là động thái kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm từ cơ quan quản lý. Do vậy, việc tăng trưởng và đạt lợi nhuận cao với các công ty bảo hiểm không còn dễ dàng như trước. Những công ty bảo hiểm tiếp tục trả nhiều chi phí cho ngân hàng hay bỏ tiền ra “mua” đại lý của công ty bạn như trước đây sẽ cầm chắc thua lỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cẩn trọng và quan tâm tới chất lượng, hiệu quả kinh doanh hơn nữa.
Bên cạnh đó, hiện tại, một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang phải “dọn dẹp”, tái cấu trúc cho phù hợp với tình hình mới. Việc tinh giản bộ máy, cắt giảm chi phí đang được thực hiện rất quyết liệt.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường tương tác với khách hàng, cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ một cách mạnh mẽ hơn... Các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước.
Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực nhân thọ, đang gặp khó khăn “kép” từ ảnh hưởng của khủng hoảng truyền thông, các quy định bán bảo hiểm chặt chẽ và tác động của suy thoái kinh tế.
“Ngành bảo hiểm dường như ngày một “ngấm” sâu hơn suy thoái kinh tế nên quý IV/2023 chưa thể khởi sắc hơn, khó khăn có thể kéo dài sang cả 2 quý đầu năm 2024”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ nhìn nhận.
Theo thống kê cho thấy, kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức khi hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra tại thời điểm trước đó nhờ tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1-1%. Do đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động.
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,24% trong 3 quý đầu năm 2023 không phải là mức tăng trưởng cao, cũng chưa vững chắc khi bước sang quý cuối năm. Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó dự báo…
“Tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ từ giờ đến cuối năm khó khả quan hơn, cho dù các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực thay đổi, củng cố quy trình bán hàng, nâng cao chất lượng tư vấn cũng như dịch vụ khách hàng hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bảo hiểm mới nổi như Việt Nam và thực tế, lực lượng tư vấn bảo hiểm đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi khó khăn của thị trường. Việc khó bán hàng khiến một bộ phận tư vấn viên bảo hiểm nản chí và không muốn trụ lại với nghề, thị trường tiếp tục trong vòng xoáy “tuyển dụng, rơi rụng, rồi lại tuyển dụng”…
Nhiều thách thức đang chờ đón các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý cuối năm 2023 cũng như những tháng đầu năm 2024 khi tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa khởi sắc. Dẫu vậy, ngành bảo hiểm đang có sự thay đổi lớn về chính sách, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng ổn định, bền vững hơn.
Một yếu tố rất quan trọng là các doanh nghiệp vẫn nhận thấy dư địa thị trường còn rất lớn, khi trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và tăng lên 18% vào năm 2030. Đây chính là động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực thay đổi mỗi ngày để đón đầu cơ hội này.
Bổ sung quy định giúp hỗ trợ bán bảo hiểm qua ngân hàng lành mạnh Nhằm hỗ trợ bán bảo hiểm qua ngân hàng một cách lành mạnh, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng ... |
Làm thế nào để hạn chế những sai phạm, gian lận trong chi trả tiền hoa hồng bảo hiểm? Liên tiếp hai vụ sai phạm trong việc chi trả hoa hồng được cơ quan điều tra công bố trong tháng 10 vừa qua, với ... |
Thùy Linh