Năm 2023: Quy mô nền kinh tế Việt Nam khoảng 430 tỷ USD

09/01/2024 - 21:52
(Bankviet.com) Năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.
img9079-1704421429191396920277-1704422357666-1704422358539569955479.jpg
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Trình bày báo cáo về "công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2023, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; hậu quả từ đại dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraina và tại dải Gaza diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới

Báo cáo của Chính phủ cho biết, kinh tế vĩ mô năm 2023 cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.

Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay); cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 02 trong 62 nước được nâng hạng; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao "cây tre".

Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký luỹ kế đạt 22,1 tỷ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỷ USD. Có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022. Đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023).

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng. Hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cải thiện; doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN cơ bản tăng so với cùng kỳ.

Tập trung thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong cách chỉ đạo, cách làm. Năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đã trình Quốc hội thông qua 16 luật, 29 Nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 108/111 quy hoạch, trong đó Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tập trung triển khai Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; đơn giản hóa 535, phân cấp 153 thủ tục hành chính.

Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hoá công vụ.

Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc. Đề án 06 được chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng trong chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900 km.

Đồng thời, khởi công 3 cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Đưa vào khai thác Nhà ga T2 - cảng hàng không Phú Bài, cảng hàng không Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2 và nhiều công trình giao thông khác. Phát triển mạnh hạ tầng xanh, hạ tầng số hiện đại, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế; nhiều nhà khoa học được thế giới vinh danh.

Đã đưa 155 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,55% so với năm 2022.

Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Phát triển văn hóa, xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường...

Toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được quốc tế công nhận; Việt Nam lần thứ 2 là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%.

Triển khai quyết liệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về NSNN tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022.

Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền duy trì ở mức cao (88,4%).

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng, an ninh được nâng lên; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là về chiến lược.

Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ