Năm 2025, người dân chậm sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Sang tên sổ đỏ là thủ tục pháp lý bắt buộc khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Nếu không thực hiện đúng thời hạn, người dân sẽ bị xử phạt.
Sổ đỏ là gì? Sang tên sổ đỏ là gì?
“Sổ đỏ” là cách gọi phổ biến của người dân đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại giấy tờ pháp lý xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức. Đây không chỉ là giấy tờ xác lập quyền sử dụng đất mà còn là tài sản có giá trị lớn, thường được dùng trong giao dịch dân sự và bảo đảm tài chính.

Theo quy định tại Luật Đất đai 2024, sang tên sổ đỏ là hình thức đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền sau khi phát sinh giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Việc này nhằm đảm bảo tính hợp pháp cho chủ thể mới của quyền sử dụng đất, đồng thời giúp Nhà nước quản lý hiệu quả quỹ đất và giao dịch dân sự.
Người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng công chứng đối với các trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế. Việc không thực hiện đúng thời hạn có thể bị xử phạt theo khung mới được quy định tại Luật và các Nghị định hướng dẫn.
Mức phạt khi chậm sang tên sổ đỏ
Theo quy định hiện hành, nếu người dân không thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ đúng thời hạn sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
- Đối với tổ chức: Phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm vẫn buộc phải hoàn tất thủ tục đăng ký biến động đất đai theo đúng quy định pháp luật.
Chậm khai thuế thu nhập cá nhân cũng bị phạt nặng
Bên cạnh việc sang tên, người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cũng cần lưu ý về thời hạn kê khai. Cụ thể, trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch chuyển nhượng, tặng cho đất, người dân phải nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế địa phương.
Nếu chậm trễ, mức xử phạt được áp dụng theo thời gian trễ như sau:
- 1 - 5 ngày (có tình tiết giảm nhẹ): Cảnh cáo.
- 1 - 30 ngày: Phạt từ 2 đến 5 triệu đồng.
- 31 - 60 ngày: Phạt từ 5 đến 8 triệu đồng.
- 61 - 90 ngày: Phạt từ 8 đến 15 triệu đồng.
- Trên 90 ngày: Phạt từ 15 đến 25 triệu đồng.
Đây là những mức xử phạt đáng lưu ý để người dân không gặp rắc rối pháp lý, cũng như tránh phát sinh chi phí không cần thiết.
Ai chịu trách nhiệm sang tên sổ đỏ?
Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai thuộc về bên mua hoặc bên nhận tặng cho. Điều này có nghĩa, sau khi hoàn tất giao dịch, chính người nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm chủ động thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ tại cơ quan đăng ký.
Việc sang tên đúng thời hạn không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn giúp người dân đảm bảo quyền lợi khi sử dụng đất, tránh rủi ro liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng hoặc khó khăn trong các thủ tục pháp lý sau này như vay vốn, xin cấp phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất...
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện sang tên sổ đỏ
Luật Đất đai 2024 (Điều 136) đã xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý thủ tục đăng ký biến động đất đai, cụ thể như sau:
- Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh: Tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tôn giáo...
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện: Tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Người dân nên liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh gần nhất để được hướng dẫn chi tiết về quy trình và hồ sơ cần thiết khi thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ.