Đà Nẵng là điểm đến được du khách Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên trang Skyscanner Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch Ấn Độ |
Ấn Độ nằm trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam
Số liệu thống kê lượng khách du lịch 4 tháng năm 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, hiện Ấn Độ nằm trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong 4 tháng 2024, thị trường Ấn Độ đến Việt Nam đạt 158 nghìn lượt khách du lịch.
Đà Nẵng là điểm đến tại Việt Nam được khách du lịch Ấn Độ ưa chuộng khi trong năm 2023, dù chưa khôi phục đường bay trực tiếp, song tổng lượt khách Ấn Độ đến Đà Nẵng đạt 68.753 lượt, chiếm 4,64% trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng. So với 105.425 tổng lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam, cứ 2 người Ấn Độ du lịch Việt Nam sẽ có 1 người đến Đà Nẵng.
Việt Nam hiện là điểm đến yêu thích của khách du lịch Ấn Độ. Ảnh: Vinpearl Hạ Long |
Việc gia tăng lượng khách Ấn Độ theo ghi nhận của ngành du lịch Việt Nam là do du khách Ấn Độ ưa thích các điểm đến có thời gian bay ngắn tại khu vực Đông Nam Á; Việt Nam có thiên nhiên đa dạng, khí hậu cho phép du lịch quanh năm, văn hóa lâu đời với các di sản tầm thế giới trải khắp cả nước. Ngoài ra, Việt Nam đang chinh phục được du khách Ấn Độ nhờ nền ẩm thực phong phú, nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch golf, nghỉ dưỡng, khám phá.
Đặc biệt, những năm gần đây, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường nhiều hơn các hoạt động xúc tiến du lịch và trao đổi hợp tác phát triển du lịch, qua đó đã góp phần gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch giữa hai bên. Cùng với đó, cộng đồng du lịch Ấn Độ cũng rất quan tâm đến tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch như thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các thành phố lớn của hai nước; tổ chức các đoàn famtrip và presstrip để khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch và tìm kiếm đối tác.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân hai nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng các chuyến bay thẳng. Mới đây nhất, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã cùng ba đối tác là Vietravel, VinGroup, SunGroup và các hãng lữ hành của Ấn Độ thực hiện nghi thức chung tay phát động điểm đến Việt Nam tại thủ đô New Delhi. Theo đó, các đơn vị sẽ hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam và Ấn Độ ở cả hai nước, đồng thời tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch nhằm khai thác hiệu quả các đường bay của Vietnam Airlines và sản phẩm du lịch của các đơn vị.
Về chính sách visa, hiện Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin thị thực được dễ dàng, thị thực điện tử được áp dụng cho tất cả người Ấn Độ có thời hạn 3 tháng và nhập cảnh nhiều lần.
Tích cực tìm hiểu, nắm rõ thị hiếu, thói quen của du khách Ấn Độ
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khách Ấn Độ có xu hướng lựa chọn điểm đến là các quốc gia châu Á do sự gần gũi về địa lý và văn hóa, thích hợp với khả năng chi trả, sản phẩm du lịch cũng phù hợp với thị hiếu của các nước trong khu vực. Đây chính là lợi thế để Việt Nam tiếp tục thu hút khách du lịch Ấn Độ trong thời gian tới.
Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) cho hay, du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển và trở thành điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế, trong đó có du khách Ấn Độ. "Mặt khác, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện nay là khá cao do có nhiều điểm đến đẹp, phổ biến và đa dạng về cảnh quan, văn hóa và ẩm thực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những dịch vụ du lịch chất lượng và giá cả phải chăng"- ông Quỳnh đánh giá.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Ấn độ là một nhánh khách khác biệt và yêu cầu rất khắt khe, vì vậy muốn tiếp cận với thị trường tiềm năng này thì cần xây dựng một hệ sinh thái phù hợp đặc biệt là lựa chọn những địa điểm nổi tiếng để xây dựng hệ sinh thái phù hợp trước và từng bước mở rộng theo nhu cầu và nguồn lực khách từ thị trường này.
Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã chỉ rõ, thị trường Ấn Độ đặc biệt và rất khắt khe kiểm duyệt giá cả cho chuyến đi của mình, có thể gọi thị trường này là thị trường “nhạy cảm về giá”; du khách Ấn Độ sẽ sử dụng tất cả các lợi thế mà họ có thể có để lấy được thông tin về giá cả các dịch vụ cho chuyến đi làm cơ sở đàm phán “giá cả” với đối tác.
Đặc biệt, du khách Ấn Độ rất tự hào về ẩm thực Ấn Độ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn cực kỳ ngon. Điểm đến du lịch sẽ không hấp dẫn du khách Ấn Độ nếu thiếu ẩm thực Ấn Độ. Vì thế, ẩm thực Ấn Độ có thể là một kho tàng kiến thức về ẩm thực cho bất cứ công ty du lịch Việt Nam nào đang khai thác thị trường Ấn Độ nghiên cứu.
Ngoài ra, du khách Ấn Độ rất thích mua sắm, thích tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan các bảo tàng, di tích chiến tranh, du lịch MICE. Đồng thời, bên cạnh những resort đẹp, khách Ấn Độ thích tiêu dùng, ăn uống, dự tiệc. Đáng lưu ý nữa đó là du khách Ấn Độ ít khi đi một mình mà thường đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Các yếu tố an ninh, an toàn; đồ ăn phù hợp cũng ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của khách Ấn Độ.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đối với du khách Ấn Độ, Việt Nam là điểm đến mới và chỉ thực sự trở thành điểm “hot” đối với du khách Ấn Độ từ sau đại dịch Covid-19. Khách du lịch Ấn Độ chưa có nhiều kiến thức hiểu biết về du lịch Việt Nam, mỗi yêu cầu của du khách Ấn Độ thường được yêu cầu sửa đổi nhiều lần cho phù hợp, trung bình các công ty du lịch phải thay đổi và làm lại báo giá và chương trình tour khoảng 5 lần đối với mỗi yêu cầu nhận được từ Ấn Độ.
Trước các đặc điểm, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch Ấn Độ trên, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, chúng ta cần có các giải pháp cụ thể như: Cải thiện vệ sinh và môi trường tại các điểm du lịch, tăng cường các dịch vụ hướng dẫn và hỗ trợ cho du khách, tạo ra các chương trình quảng bá và marketing hấp dẫn để thu hút du khách quốc tế nói chung và Ấn Độ nói riêng, cũng như tăng cường quản lý an toàn và an ninh cho du khách. Đặc biệt, tăng cường các nhà hàng có chứng nhận Halal (chứng nhận xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo) phục vụ khách Ấn Độ và người theo đạo Hồi.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã đưa ra một số giải pháp để thu hút khách du lịch Ấn Độ, như: Tăng cường xúc tiến quảng bá mạnh hơn tới thị trường khách Ấn Độ ở cấp quốc gia cũng như đối với các địa phương, doanh nghiệp; có chiến lược xúc tiến du lịch, định hướng xây dựng sản phẩm cho thị trường này; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ thị trường để đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu của khách Ấn Độ; quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch, xây dựng các ứng dụng tiện ích (mobile app) hỗ trợ khách du lịch với những thông tin đặc thù cho thị trường khách Ấn Độ.
Từ kinh nghiệm khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ, ông Phạm Hà - CEO Lux Group chia sẻ thêm với phóng viên Báo Công Thương: Ấn Độ là thị trường có quy mô lớn. Khách Ấn Độ tới Việt Nam có thể quay lại nhiều lần. Mỗi năm, chỉ cần 5% người Ấn Độ đi du lịch Việt Nam, thì chúng ta cũng đón được một lượng khách quốc tế khổng lồ. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện lý tưởng để thu hút khách du lịch MICE từ Ấn Độ với các nhu cầu tổ chức đám cưới, quay phim, chơi golf… Do đó, theo ông Phạm Hà, bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, cần xây dựng sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách Ấn Độ, như: khách đi tour trọn gói theo nhóm; khách là các gia đình giàu có, thượng lưu; khách nữ; khách du lịch cao cấp…