Năm thứ tư liên tiếp VIMC đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng

07/01/2025 - 17:27
(Bankviet.com) Đây là năm thứ tư liên tiếp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, với khoản lợi nhuận toàn tổng công ty năm 2024 ước đạt kỷ lục 4.940 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 diễn ra ngày 6/1, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC chia sẻ rằng năm qua, bối cảnh thế giới đầy biến động với những tác động từ xung đột địa chính trị và khủng hoảng tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường vận tải biển. Đồng thời, lĩnh vực cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhiều cảng tư nhân mới xuất hiện với hạ tầng hiện đại, đồng bộ và chính sách linh hoạt. Dù vậy, VIMC vẫn ghi nhận những bước tiến vượt bậc với kết quả kinh doanh cao nhất trong nhiều năm.

Năm thứ tư liên tiếp VIMC đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng
Doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng

Cụ thể, sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC thực hiện đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch năm. Trong lĩnh vực cảng biển, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt 145 triệu tấn, tăng 126% so với cùng kỳ và vượt 117% kế hoạch năm.

Kết quả kinh doanh từ 2 lĩnh vực trụ cột nói trên đã đưa doanh thu toàn VIMC đạt 24.813 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023 và vượt 35% mục tiêu đề ra.

Lợi nhuận toàn hệ thống ước đạt 4.940 tỷ đồng, riêng lợi nhuận hợp nhất là 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước và vượt 28% kế hoạch. Tiền lương bình quân người lao động năm 2024 đạt 18,2 triệu đồng/tháng; riêng công ty mẹ đạt 25,1 triệu đồng/tháng, bằng 109% kế hoạch.

Theo ông Tĩnh, sự tăng trưởng ấn tượng này nhờ vào việc tái cấu trúc đội tàu, kết hợp mở rộng hoạt động thuê tàu ngoài, giúp sản lượng vận tải biển vượt xa kỳ vọng. Năm 2024, VIMC Lines đã mở các tuyến dịch vụ mới kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia.

Lĩnh vực cảng biển cũng tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược phát triển 10 tuyến dịch vụ container mới tại các cảng lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng và Quy Nhơn, kết nối trực tiếp với châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm được VIMC đẩy nhanh tiến độ, như bến container số 3 và 4 thuộc cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), dự kiến khai thác trong quý 1/2025. Đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các thủ tục pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện để triển khai trong năm 2025.

Về định hướng năm 2025, VIMC đặt mục tiêu đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng cảng biển, với các dự án lớn như cảng Liên Chiểu, cảng quốc tế Cần Giờ, và tăng cường đội tàu thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Ông Tĩnh khẳng định: “Cùng với cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Cần Giờ sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực. Sản lượng hàng hóa trung chuyển qua cảng biển Việt Nam có thể vượt Singapore, thực hiện sứ mệnh nâng tầm vị thế quốc gia.”

Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2025 vượt mốc 1.700 tỷ đồng

Viglacera hướng tới mục tiêu tăng trưởng đột phá trong năm 2025 với kế hoạch doanh thu hợp nhất 14.437 tỷ đồng (tăng 8%) và ...

VPS đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 3.500 tỷ đồng năm 2025, muốn đổi trụ sở và phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi

VPS đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 3.500 tỷ đồng trong năm 2025, gấp 2,3 lần kế hoạch năm trước, đồng thời công bố ...

Quang Dũng

Quang Dũng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán