Nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới

25/05/2023 - 17:05
(Bankviet.com) Đầu tư nước ngoài đã đạt được thành tựu lớn, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên công tác quản lý, hoạt động đầu tư nước ngoài còn bất cập.
Nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu Liên kết khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước: Vì sao vẫn “lỏng lẻo”?

Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

3350-bai-duoi
Thu hút đầu tư nước ngoài đã có thành tựu lớn, đưa đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài đã có thành tựu lớn, đưa đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2021 và 2022, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhất là về vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước như suy thoái kinh tế, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu ... Cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu Covid-19 ngày càng gay gắt; việc các nước phối hợp xây dựng các quy tắc quản trị toàn cầu, trong đó có lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024... đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam.

Kinh tế trong nước có những thuận lợi nhưng cũng tồn tại những khó khăn, thách thức đan xen do sản xuất, kinh doanh đối mặt với chi phí sản xuất và logistics tăng cao, thiếu nguồn cung và nhất là do chống lạm phát, các thị trường lớn của ta bị thu hẹp, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu…

Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn có bất cập, có nơi còn thiếu thống nhất, gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư. Môi trường kinh doanh chưa có ưu việt đáng kể so với mặt bằng cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới và tại khu vực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, mặt bằng sạch còn thiếu và chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đẩy lên cao, nguồn lao động đã qua đào tạo còn yếu và thiếu... Sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có liên kết về lợi ích cơ bản và bền vững.

Ngay từ những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp sản xuất đã quay trở lại nhịp sản xuất bình thường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới

Triển khai các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài

Trước tình hình nêu trên và để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và tập trung thực hiện một số nhiệm:

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghi quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm Chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp để định hướng, sắp xếp, tổ chức về mặt không gian, tạo cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Chỉ thị cũng yêu cầu, các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và bảo đảm khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư - kinh doanh. Kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư để tổng hợp, kịp thời hướng dẫn xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định giải quyết vướng mắc. Cắt giảm triệt để thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư và người dân.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư nhằm phù hợp tiêu chuẩn mới, bảo đảm thẩm quyền quản lý của nhà nước và chính sách công; hạn chế khả năng việc nhà đầu tư lạm dụng, lợi dụng cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước - nhà đầu tư. Rà soát, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tránh hiện tượng chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền chính sách, hướng dẫn kỹ lưỡng để các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hiểu, áp dụng đúng các quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế…

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương