Nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối: Định vị trách nhiệm ngân hàng và khách hàng

11/02/2023 - 03:05
(Bankviet.com) Thông tư 20/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/12/2022 nhằm góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối, kiểm soát tốt hơn hoạt động chuyển tiền và thanh toán một chiều, vừa bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện hội nhập sâu hơn, rộng hơn, vừa đảm bảo hạn chế phòng ngừa rủi ro và thực hiện tốt công tác phòng, chống rửa tiền.

Nhằm quy định cụ thể về hoạt động chuyển tiền một chiều, thanh toán, chuyển tiển cho các giao dịch vãng lai, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 20/2022/TT-NHNN về hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân. Ngoài tính hệ thống và tạo thuận lợi trong việc thực hiện các quy định về hoạt động này, những chỉnh sửa bổ sung của Thông tư so với các quy định trước đây nhằm góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối, kiểm soát tốt hơn hoạt động chuyển tiền và thanh toán một chiều, vừa bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện hội nhập sâu hơn, rộng hơn, vừa đảm bảo hạn chế phòng ngừa rủi ro và thực hiện tốt công tác phòng, chống rửa tiền.

Trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động này bao gồm các Ngân hàng thương mại (NHTM) – với vai trò là tổ chức tín dụng được phép, cung ứng dịch vụ và khách hàng, gồm doanh nghiệp và người dân. Trách nhiệm đó đã được định vị, cụ thể, minh bạch.

Đối với NHTM, đó là trách nhiệm thực thi và tính tuân thủ. Đây là quy định không mới, song quy định tại Thông tư cụ thể hơn, minh bạch hơn, dễ thực hiện và chủ động hơn cho các NHTM, nhưng cũng gắn với trách nhiệm của NHTM. Theo đó, NHTM có trách nhiệm trong việc kiểm soát và đảm bảo việc chuyển tiền, thanh toán một chiều của tổ chức và cá nhân đúng quy định; kiểm tra, kiểm soát chứng từ hợp pháp, hợp lệ, đồng thời chủ động xây dựng quy định nội bộ về hoạt động này, nhất là các quy định hạn mức chuyển, các quy định về yêu cầu cá nhân chuyển tiền phải chứng minh được mục đích chuyển tiền, với số tiền chuyển hợp lý, không chỉ không được vượt quá số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ mà còn phải đảm tính hợp lý phù hợp với nhu cầu của người thụ hưởng, phù hợp với thực tế của mỗi mục đích chuyển tiền. Đây là điểm rất quan trọng, góp phần kiểm soát tốt rủi ro cũng như phát sinh liên quan đến việc lợi dụng hoạt động này để chuyển tiền xuyên biên giới, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền của NHTW thông qua hoạt động ngoại hối và trách nhiệm thực thi hoạt động này của các tổ chức tín dụng được phép.

 Đối với tổ chức, cá nhân và người dân, Thông tư quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc cung cấp thông tin đầy đủ cho ngân hàng cung ứng dịch vụ, đó là các giấy tờ, hồ sơ chứng minh theo quy định đối với mỗi loại mục đích thanh toán, chuyển tiền và trách nhiệm xác thực tính chính xác của thông tin cung cấp. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân, đồng thời doanh nghiệp, người dân cũng cần nắm rõ và nhận biết đầy đủ quy định để cùng các TCTD thực thi tốt hoạt động này, bởi lẽ trong trường hợp khách hàng không thực hiện đúng quy định, không cung cấp đầy đủ và/hoặc chính xác thông tin theo quy định của Thông tư, ngân hàng cung ứng dịch vụ có quyền từ chối hoặc không thực hiện các giao dịch bán, chuyển hoặc cấp giấy xác nhận mang ngoai tệ ra nước ngoài cho khách hàng. Đây cũng là điểm mới của thông tư, cả TCTD, doanh nghiệp và người dân cần nắm bắt và thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ của mình, đảm bảo Thông tư được tổ chức triển khai thực hiện tốt trong thực tế.

Có thể nói, sự điều chỉnh, bổ sung và hệ thống lại các quy định liên quan đến hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức và cá nhân theo Thông tư 20/2022/TT-NHNN là cần thiết, phù hợp và ý nghĩa trước yêu cầu thực tế khách quan của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối của NHTW. Đồng thời đảm bảo hoạt động này phát triển và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động thanh toán quốc tế và phát triển dịch vụ ngân hàng, cũng như yêu cầu phòng chống rửa tiền hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, việc tổ chức triển khai thực hiện và thực hiện trách nhiệm của NHTM, của tổ chức, cá nhân, của doanh nghiệp và người dân có vai trò quyết định. Vì vậy, mỗi đơn vị có liên quan, cần phối hợp làm tốt công tác này, trước hết, các TCTD được phép cung ứng dịch vụ cần phải tổ chức làm tốt công tác triển khai; xây dựng quy trình nội bộ, công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát và đặc biệt là phối hợp cùng ngành ngân hàng làm tốt công tác truyền thông chính sách, để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, hiểu rõ để làm đúng, thực hiện đúng.

Nguyễn Đức Lệnh -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ