Nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

28/08/2024 - 05:50
(Bankviet.com) Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững an toàn hệ thống các TCTD là quan điểm xuyên suốt của các cơ quan chức năng. Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đó là sớm sửa đổi Luật BHTG.
Ngày 01/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 đã có hiệu lực. Bên cạnh các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, một số nội dung của Luật Các TCTD năm 2024 cũng thúc đẩy việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD.
 
DIV đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu TCTD
 

Luật Các TCTD năm 2024 - nâng cao vai trò của BHTG trong tái cơ cấu TCTD

Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD năm 2024 với các nội dung nhằm tiếp tục đề cao vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình tái cơ cấu các TCTD như: Xây dựng, phê duyệt phương án phục hồi và biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt…

Trong đó, đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tại Điều 169 Luật Các TCTD năm 2024 quy định, Ban Kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức BHTG, Ngân hàng Hợp tác xã đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi. Tuy nhiên, quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức BHTG tại Luật BHTG năm 2012 chưa đảm bảo để tổ chức BHTG có thể tham gia sâu hơn vào quá trình này (như tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với quỹ tín dụng nhân dân, tham gia xây dựng các phương án tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân…).

Tại Điều 182 Luật Các TCTD năm 2024 về biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc quy định, ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức BHTG, TCTD khác. Tại khoản 2, Điều 192 quy định: Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ tổ chức BHTG theo quy định của pháp luật về BHTG. Tuy nhiên, Luật BHTG năm 2012 vẫn chưa có quy định về việc tổ chức BHTG cho vay đặc biệt.

Đối với trường hợp DIV vay đặc biệt, khoản 2 Điều 190 Luật Các TCTD năm 2024 quy định: “Trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức BHTG không đủ chi trả cho người gửi tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này, NHNN cho tổ chức BHTG vay đặc biệt”. Tuy nhiên, Luật NHNN năm 2010 và Luật BHTG năm 2012 không có quy định về việc NHNN cho vay đặc biệt tổ chức BHTG và việc tổ chức BHTG vay đặc biệt NHNN.

Liên quan đến trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Điều 188 Luật Các TCTD 2024 quy định: Ban Kiểm soát đặc biệt phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, đề xuất NHNN trình Chính phủ phê duyệt… Tuy nhiên, đối với nội dung này, DIV còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật BHTG năm 2012 chưa có quy định cụ thể về việc DIV tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật BHTG năm 2012 chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành về tái cơ cấu các TCTD và chưa phù hợp với thực tiễn khiến quá trình tham gia tái cơ cấu của DIV còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời, hạn chế hiệu quả trong việc bảo vệ người gửi tiền. Do đó, cần sớm sửa đổi Luật BHTG theo hướng đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Các TCTD năm 2024.

Luật BHTG cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, góp phần tích cực trong tái cơ cấu TCTD

Luật BHTG năm 2012 sau 12 năm đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng hệ thống các TCTD. Theo đó, với các nghiệp vụ BHTG như giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu các tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của NHNN, truyền thông nâng cao nhận thức công chúng, gia tăng niềm tin người gửi tiền, chi trả BHTG cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc phá sản… DIV đang bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG.

Với các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật BHTG năm 2012, DIV cũng đang tích cực phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu và xử lý TCTD yếu, kém. Trong đó, việc chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính luôn được DIV chú trọng nhằm sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mà Chính phủ, NHNN giao khi tham gia tái cơ cấu các TCTD.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động BHTG có nhiều thay đổi, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo liên quan đến việc sửa đổi Luật BHTG giai đoạn 2022 - 2025 như: Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong ba dự án Luật quan trọng Chính phủ giao NHNN xây dựng, triển khai cho giai đoạn 2021 - 2025 là “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG”. Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để phục vụ việc xử lý các TCTD yếu kém.
  
Theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/06/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG nhằm góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Tiếp đó, tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG giai đoạn 2022 - 2025 là nhiệm vụ quan trọng, cần sớm được triển khai, qua đó, giúp DIV thực hiện các nhiệm vụ trong tái cơ cấu TCTD, hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức BHTG nhằm đảm bảo thực hiện được Chiến lược phát triển BHTG.

Như vậy, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và giữ vững an toàn hệ thống các TCTD là quan điểm xuyên suốt của các cơ quan chức năng. Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đó là sớm sửa đổi Luật BHTG. Theo đó, một số nội dung hiện đang được DIV đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật BHTG bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu TCTD được kiểm soát đặc biệt; quy định để DIV tăng cường hơn trong việc giám sát, kiểm tra, cảnh báo sớm rủi ro hoạt động của các TCTD; quy định DIV cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mở rộng danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; quy định theo hướng chi trả sớm hơn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền…

Liên quan đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động BHTG, theo NHNN, báo cáo tổng kết Luật BHTG sẽ sớm được hoàn thành, thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch đã đăng ký và chấp thuận của Quốc hội để đảm bảo sửa đổi Luật BHTG trong giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, các nội dung đề xuất sửa đổi Luật BHTG sẽ theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, bổ sung cơ chế giúp DIV nâng cao hiệu quả hoạt động và tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
2. Luật BHTG năm 2012.
3. Luật NHNN năm 2010.
4. Luật  Các TCTD năm 2024.
5. Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
6. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
7. Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Vĩnh Hưng
 

 
Theo: Tạp chí Ngân hàng