Nền kinh tế trông vào động lực đầu tư công

11/12/2023 - 20:12
(Bankviet.com) Hôm qua (10/12) là thời hạn cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phân bổ chi tiết toàn bộ vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023.
Thanh Hóa: Quyết liệt các giải pháp nhằm bứt phá giải ngân vốn đầu tư công Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công: Cần sự quyết liệt đồng bộ

Khi năm 2023 sắp kết thúc, để kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, phải trông chờ rất lớn vào động lực đầu tư công.

Nền kinh tế trông vào động lực đầu tư công
Chỉ riêng tháng 11/2023, số vốn đầu tư công giải ngân được lên tới 71.300 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình của 11 tháng

Áp lực lớn, đòi hỏi nỗ lực cao

Hôm qua (10/12) là thời hạn cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phân bổ chi tiết toàn bộ vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023.

Con số còn lại không hề nhỏ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 708.250 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết, tính đến cuối tháng 11/2023, vẫn còn khoảng 19.260 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,7% kế hoạch) chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.260 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân là một số dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, bao gồm cả các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kể, do nguồn thu sử dụng đất, thu từ xổ số kiến thiết tại một số địa phương không đạt yêu cầu, nên không đủ nguồn lực để phân bổ…

Dù là nguyên nhân gì và dù các bộ, ngành, địa phương kịp thời phân bổ chi tiết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì gần như chắc chắn, nguồn vốn này chưa thể được giải ngân trong năm 2023. Và điều đó sẽ ảnh hưởng tới việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, dù hiện tại, các con số cho thấy xu hướng khá tích cực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp từ thông tin của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/11/2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 461.000 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77 điểm phần trăm về số tương đối và 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chỉ riêng tháng 11/2023, số vốn giải ngân được lên tới 71.300 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình của 11 tháng là 41.900 tỷ đồng/tháng. Riêng giải ngân vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2023 từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 30/11/2023, đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.

“Kết quả trên cho thấy, những các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.

Xu thế là tích cực, song chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, áp lực giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn. Bởi lẽ, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian còn lại không nhiều.

Do đó, cần có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao là tỷ lệ giải ngân trên 95%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Chặng đua nước rút, đẩy nhanh “3 ca 4 kíp”

Một điều may mắn là tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, Quốc hội khóa XV đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư bố trí cho các dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, cho phép bổ sung đối tượng và sử dụng số vốn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện trong năm 2024.

Như vậy, nỗi lo “mất vốn” đã không còn; hơn thế, còn được bổ sung nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực y tế.

Theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chỉ đến hết ngày 31/12/2023, nếu không hoàn thành thì phải thu hồi vốn. Chính vì vậy, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện.

Lý do là, nhiều dự án giao thông quan trọng, quy mô lớn, có tính liên vùng được bố trí vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vì mới được triển khai thi công, nên khó có thể giải ngân hết số vốn còn lại. Nếu Quốc hội không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023, có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án.

Kiến nghị trên của Chính phủ đã được chấp thuận và vì thế, áp lực giải ngân vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có thể không còn quá lớn. Nhưng mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay vẫn là một thách thức lớn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, thời gian còn lại không nhiều. Sốt ruột, nên Chính phủ mới đây tiếp tục tổ chức hội nghị để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo rằng, phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng…, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, vào cuối năm nay, phải hoàn thành 3 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70 km là cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ và Tuyên Quang - Phú Thọ. Đồng thời, hoàn thiện Đề án Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các Dự án đường sắt quan trọng quốc gia…, chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư tiếp theo

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giải ngân toàn bộ số vốn được giao. Đồng thời, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023…

Phải kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tổ chức thi công ‘3 ca, 4 kíp’ để đẩy nhanh tiến độ các dự án…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trông vào động lực đầu tư công

Trong bối cảnh tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng nội địa và cả xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phải trông vào động lực đầu tư công. Trên thực tế, điều này đã được khẳng định ngay từ đầu năm, chứ không phải là tới bây giờ.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1%, thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chính vì thế, nhiều năm gần đây, Chính phủ luôn nỗ lực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các khuyến nghị từ các định chế quốc tế cũng nhấn mạnh điều này. “Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Tín hiệu tích cực là trong những tháng gần đây, hoạt động giải ngân tăng đáng kể”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã nói như vậy.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 8/2023 còn công bố một báo cáo riêng với chủ đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”. Trong báo cáo này, các chuyên gia của WB cho rằng, để kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023. Và không chỉ là ngân sách đầu tư năm 2023, WB cho rằng, Việt Nam phải tập trung khai thác sức mạnh của đầu tư công để đưa nền kinh tế lên mức thu nhập cao hơn.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 10/2023, WB một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh của đầu tư công trong hỗ trợ nền kinh tế. “Một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược và được chuẩn bị tốt, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, các chuyên gia của WB khuyến nghị.

Theo baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương